Multimedia Đọc Báo in

Sức ép mới từ... mạng xã hội

13:18, 02/12/2024

Với sự phát triển của công nghệ, nghề giáo vốn chịu nhiều áp lực nay lại thêm sức ép mới từ mạng xã hội, trở thành “mối lo” trong dạy và học hiện nay.

Cuối tháng 9 vừa qua, trên nhóm “Hội phụ huynh BMT – Đăk Lăk”, người tham gia ẩn danh đã có bài viết về cách làm việc không công tâm của cô B., một giáo viên tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, cho rằng giáo viên này tạo áp lực để học sinh phải đi học thêm, có sự thiên vị trong tổ chức dạy học...

Thực hư chưa rõ ra sao, nhưng bài viết bắt đúng “mạch” của dư luận là vấn đề dạy thêm, học thêm và thi cử, lại nêu đích danh giáo viên với lời lẽ chỉ trích khá nặng nề. Dù bài xuất hiện trên nhóm kín chỉ khoảng 10 phút, sau đó trưởng nhóm đã gỡ bài, nhưng đã có nhiều người đọc, chia sẻ và bình luận với những quan điểm trái chiều khiến các nhân vật trong bài bỗng chốc “nổi tiếng” bất đắc dĩ.

Sốc và buồn là cảm giác của cô B. khi biết những thông tin không hay về mình và nhà trường xuất hiện trên mạng xã hội. Nhưng ngay sau đó, cô đã bình tĩnh phối hợp với ban giám hiệu nhà trường và hội phụ huynh tìm cách xử lý vấn đề, báo cáo cụ thể vụ việc lên cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và làm rõ sự việc, xác định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Người đăng bài, người chia sẻ bài viết đã nhận lỗi sai, trực tiếp xin lỗi cô B. và đăng bài công khai xin lỗi trên mạng xã hội, thừa nhận sự thiếu cẩn trọng khi kiểm duyệt, chia sẻ thông tin… Đáng nói là cả hai người này đều đang công tác trong ngành giáo dục, không quen biết với cô B. ngoài đời thực!

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (TP. Buôn Ma Thuột) đón học sinh lớp 1 tựu trường đầu năm học 2024 - 2025.

Về cơ bản, vụ việc đã được giải quyết, nhưng những ảnh hưởng không hay với người trong cuộc chưa dễ nguôi ngoai. Để có được lời xin lỗi như trên, cô B. đã phải trải qua những trạng thái tâm lý vô cùng tồi tệ. Cô tâm sự, những ngày đó cô như vỡ vụn với nỗi buồn, giận, đau đớn, không hiểu sao lại có việc “ác” như vậy. May thay, chung quanh còn có những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đã luôn đứng ra bảo vệ, động viên, giúp cô vượt qua những thời khắc khó khăn...

Lướt qua mạng xã hội có thể gặp nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến giáo dục được đăng tải, nếu không tỉnh táo sẽ dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin chưa chính xác, thậm chí bịa đặt như trên. Nhưng qua đó cũng phần nào phản ánh về mâu thuẫn và những “mối lo” trong học đường, liên quan đến đạo đức của nhà giáo, giáo dục đạo đức – lối sống cho học sinh.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột thì những thông tin như vậy có thể gây ảnh hưởng không hay đến danh tiếng cá nhân, đơn vị và toàn ngành giáo dục. Vì vậy việc nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên là vô cùng cần thiết. Khi sử dụng mạng xã hội, cán bộ, nhà giáo cần kiểm chứng thông tin trước khi đưa lên. Cô Đặng Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, ngoài quản trị hiệu quả thì trong mọi tình huống nhà trường cũng cần phải xem xét lại công tác quản lý của mình. Đồng thời, là chỗ dựa tin cậy để giáo viên có thể tìm đến khi gặp khó khăn, trắc trở trong công việc, nhất là khi chịu áp lực từ mạng xã hội bởi trường học là một tập thể không tách rời...

Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục trong việc sử dụng mạng xã hội. Tuân thủ quy định này sẽ góp phần giảm sức ép không đáng có từ mạng xã hội như đã nêu trên.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc