Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”

15:29, 03/12/2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền giáo dục tạo điều kiện để phát huy mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người vẫn còn nguyên giá trị và trở thành định hướng quan trọng đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem dốt là một loại giặc nguy hiểm làm suy yếu sức mạnh của đất nước vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, diệt “giặc dốt” là một công việc góp phần quan trọng đánh thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng xã hội mới: xã hội xã hội chủ nghĩa. Để diệt “giặc dốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phát triển giáo dục.

Ảnh minh họa: Nguyên Hoàn
Ảnh minh họa: Nguyên Hoàn

Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng phát triển nền giáo dục mới của Việt Nam với mục tiêu nhất quán “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Nền giáo dục đó không chỉ đơn thuần tạo ra những người lao động có chuyên môn mà còn giúp cho mỗi cá nhân có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân, phát huy tất cả những thế mạnh mà mình có. Mỗi học sinh là một cá thể hoàn toàn khác nhau vì thế giáo dục không phải là làm sao cho tất cả học sinh đều giỏi giống như nhau mà cái chính là giúp các em phát huy được tốt nhất năng lực của mình.

Muốn đạt được mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục như vậy, thì “cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Kiến thức mà học sinh thu nhận được phải giúp ích cho “làm việc”, “làm người”, khơi dậy, phát huy những năng lực vốn có của con người. Đó cũng chính là nền giáo dục nhân bản, cho con người, vì con người, thể hiện tính khoa học và cách mạng trong quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt người học vào vị trí trung tâm, khuyến khích sự chủ động và sáng tạo, phát triển kỹ năng tự học và tư duy phản biện. Việc đánh giá học sinh không chỉ dựa vào điểm số mà còn thông qua các hoạt động thực tiễn, dự án và sự tiến bộ của cả một quá trình. Các môn học không còn có sự phân biệt chính – phụ trong đánh giá, xếp loại kết quả của cả năm học. Học sinh bậc trung học phổ thông được lựa chọn môn học dựa trên năng lực thực tế của bản thân thay vì tất cả học giống nhau như trong chương trình cũ. Chương trình giáo dục của tất cả các cấp học từ phổ thông đến đại học không chỉ chú trọng kiến thức mà còn phát triển các kỹ năng mềm thiết yếu của người học, năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, giáo dục và đào tạo là “chìa khóa” gia tăng sức mạnh của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam vì con người, phát huy cao nhất mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và tiến dần ra thế giới là một nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Làm sao để phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, lấy con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước càng cần được đặt là mục tiêu quan trọng nhất trong định hướng, hoạch định các chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành giáo dục.

Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc