Hoạt động trải nghiệm cho học sinh: Sao năm nào cũng "lội bùn bắt cá"?
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, chiếm thời lượng lớn trong toàn bộ chương trình. Trong đó, đối với cấp tiểu học gọi là hoạt động trải nghiệm, cấp THCS và THPT là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giới thiệu chi tiết như sau: trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Học sinh tìm hiểu về truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh của dân tộc tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Nguyên |
Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được triển khai qua bốn mạch nội dung chính: hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp.
Nhà có ba đứa trẻ đang ở độ tuổi tiểu học và THCS, với kinh nghiệm 5 năm các con tham gia hoạt động dã ngoại, tôi nhận thấy rằng có một số bất cập có lẽ đã được các trường nhận ra nhưng không hiểu vì lý do gì mà vẫn cứ lặp đi lặp lại.
Điển hình như tổ chức cho cả trường tiểu học mấy trăm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đi cùng hành trình trong cùng một ngày, dù đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức của học sinh lớp 1 và lớp 5 là hoàn toàn khác biệt. Quãng đường không quá dài nhưng lại sử dụng xe giường nằm để di chuyển.
Hay chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh THCS hai năm liên tiếp đều có trò lội bùn bắt cá, trồng lúa trong ruộng… bê tông có đổ một lớp bùn. Trong khi đó, nếu kết hợp được hoạt động vui chơi tập thể với khám phá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương thì vừa khả thi lại vừa hiệu quả về mặt giáo dục.
Tỉnh Đắk Lắk sở hữu Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và hiện đang có nhiều đội cồng chiêng, trong đó có cả các đội trẻ biểu diễn chuyên nghiệp tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Các hoạt động trải nghiệm của học sinh đều được tổ chức tại khu du lịch sinh thái nên rất thuận lợi để các em có cơ hội khám phá giá trị văn hóa đặc sắc này thông qua trải nghiệm mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Tại sao không cho các em được tìm hiểu, khám phá về cồng chiêng Tây Nguyên thay vì năm nào cũng "lội bùn bắt cá"?
Thiết nghĩ, để hoạt động trải nghiệm đạt được mục đích như hướng tới, các trường cần tìm tòi, tổ chức các hoạt động gần gũi với điều kiện địa phương, phù hợp với tâm sinh lý từng lứa tuổi, mang tính giáo dục cao để qua đó các em tiếp thu các kiến thức, kỹ năng một cách tự nhiên, thú vị nhất chứ không chỉ đơn thuần là chuyến đi chơi, dã ngoại như lâu nay…
Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc