Tổ hợp “lạ” trong tuyển sinh đại học năm 2025: Cuộc đua với những mối lo
Chủ trương tự chủ giáo dục đại học và sự cởi mở trong tuyển sinh đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giới thiệu nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới cho mùa tuyển sinh năm học 2025 - 2026.
Tuy nhiên, việc một số trường đưa ra các tổ hợp thiếu vắng những môn học nền tảng, cốt lõi của ngành đào tạo đang dấy lên nhiều tranh luận trong xã hội.
Những tổ hợp “lạ”
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ tham gia thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với hai môn tự chọn từ 9 môn học (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương thức tuyển sinh năm 2025 cũng đa dạng, trong đó phổ biến là xét kết quả học tập (học bạ), kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học…
Tuy nhiên, bên cạnh những tổ hợp xét tuyển quen thuộc, năm nay xuất hiện nhiều tổ hợp gây ngạc nhiên, thậm chí đi ngược lại kỳ vọng về sự liên quan giữa môn xét tuyển và ngành học.
Đơn cử như ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (TP. Hà Nội) có những tổ hợp không có môn Lịch sử ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025 là: D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh); C04 (Toán, Ngữ văn, Địa lí); C14 (Toán, Văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Ngành Sư phạm tiếng Anh cũng xét tuyển các tổ hợp C03 (Văn, Toán, Lịch sử), C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lí), C14 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
![]() |
Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên. |
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên có ngành Sư phạm Lịch sử xét tuyển tổ hợp các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh đối với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025.
Trường Đại học Hòa Bình tuyển sinh ngành Y khoa và Y học cổ truyền tổ hợp A00 (Toán, Vật lí, Hóa học) không có môn Sinh học.
Trường Đại học Văn Lang xét tuyển nhiều tổ hợp “lạ” cho khối ngành sức khỏe, trong đó có y khoa với các tổ hợp "lạ" như: Toán, Hóa học, Giáo dục Kinh tế và pháp luật; Toán, Hóa học, Công nghệ…
Lo chất lượng đầu ra
Việc các trường tận dụng môn học mới trong tổ hợp xét tuyển là một trong những cách để thu hút những thí sinh có năng lực và sở thích phù hợp với các ngành học mới, mang tính ứng dụng cao.
Tuy nhiên, sự “mới lạ” trong tổ hợp mà bỏ qua môn học cốt lõi (ví dụ như Sư phạm Lịch sử nhưng không sử dụng kết quả học tập môn Lịch sử; ngành Y khoa nhưng không sử dụng kết quả môn Sinh học) lại trái hẳn lẽ thường, rất khó hiểu đã gây nên sự lo lắng về chất lượng đầu vào, chương trình đào tạo và chất lượng đầu ra của ngành, của trường.
Bởi, mỗi ngành có những môn học mang tính nền tảng trong chương trình giáo dục phổ thông và việc học kiến thức cơ bản của 12 năm là sự chuẩn bị chu đáo để học kiến thức nâng cao theo hướng tự học, tự nghiên cứu ở bậc đại học. Đây là điều hợp lý được đúc rút trong nhiều năm.
Mặt khác, sự thiếu vắng các môn học cốt lõi có thể vô tình loại bỏ những thí sinh có đam mê và năng lực thực sự với các môn học cốt lõi liên quan đến ngành học. Đặc biệt, điều này cũng trái với kiến thức giáo dục hướng nghiệp lâu nay ở bậc phổ thông: lựa chọn ngành, chọn nghề phải phụ thuộc vào năng lực của mỗi người; yếu tố năng lực sẽ quyết định đến việc hoàn thành chương trình học (tốt nghiệp) và sự thành công nghề nghiệp tương lai.
![]() |
Học sinh huyện Buôn Đôn tham gia hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường đại học trên cả nước tổ chức. |
Cũng có giả thiết đặt ra rằng, liệu chương trình học có đủ “trình” với yêu cầu kiến thức chuyên ngành ở môn cốt lõi? Hay nhà trường tự hạ chuẩn đào tạo đối với những sinh viên trúng tuyển ở tổ hợp “lạ” này? Nếu không hạ chuẩn, liệu những sinh viên trúng tuyển qua tổ hợp kiểu này có đủ năng lực, kiên trì để theo học và có đủ đam mê gắn bó với nghề sau khi ra trường?
Việc đa dạng hóa tổ hợp tạo thêm cơ hội và bảo đảm tính công bằng cho thí sinh là có cơ sở; giúp nhà trường thu hút nhiều hồ sơ hơn. Song, điều này cũng bộc lộ mặt tiêu cực khi nhà trường ưu tiên số lượng, "chỉ tiêu" mà xem nhẹ yêu cầu về kiến thức và năng lực cốt lõi. Đây là điều đáng lo ngại, bởi ngành sư phạm và y khoa là những lĩnh vực then chốt với đối tượng phục vụ là con người (đào tạo con người để đào tạo con người; đào tạo con người để chăm sóc sức khỏe con người).
Do đó, các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra, tránh tình trạng "vớt" thí sinh bằng mọi giá. Còn phía gia đình, thí sinh cũng cần phải cân nhắc với các tổ hợp “lạ”, bởi trúng tuyển mới chỉ là bước đầu của lộ trình học đại học; nếu không đủ năng lực để theo học thì việc học đại học rất áp lực, dễ “đứt gánh” giữa đường, vừa tốn tiền vừa mất thời gian.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025: rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển; lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học; tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào ngành đào tạo sư phạm phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng… |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc