Phát minh mới về nông nghiệp - môi trường
Campuchia sắp có giống lúa mới
Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CARDI) đang nghiên cứu và sắp cho ra đời giống lúa thơm mới, chịu được biến đổi khí hậu, cho năng suất cao so với các giống lúa truyền thống. Đây là thành quả nghiên cứu hơn 10 năm của CARDI, được trồng thử nghiệm ở nhiều nơi, tuy nhiên tên giống lúa mới này hiện vẫn chưa được biết đến.
CARDI cho biết các nhà khoa học Campuchia đang tiếp tục hợp tác với nông dân để sản xuất thử nghiệm và hy vọng sẽ ra mắt chính thức vào đầu năm 2022 tới. Qua thử nghiệm cho thấy giống lúa này thích nghi tốt ở mọi chân ruộng có mức tưới tiêu khác nhau. Giống lúa nói trên là một trong những sản phẩm đặt hàng của Bộ Nông nghiệp Campuchia, phấn đấu đưa Campuchia trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu khu vực.
Cách bảo quản nho tươi đến 6 tháng
Phương pháp bảo quản cổ truyền có tên Gangina của người Afghanistan có thể giữ nho và các loại trái cây khác tươi ngon trong thời gian lên đến 6 tháng. Cách bảo quản này có thể tóm tắt như sau: Nho tươi sau khi thu hoạch, loại bỏ quả dập nát, cho vào bên trong những chiếc thùng đặc biệt có tên Gangina (giống như đĩa làm bằng hai lớp đất ướt). Sau đó hộp Gangina đóng kín lại. Thùng được để khô dưới ánh nắng mặt trời trước khi đưa vào nơi mát mẻ bảo quản. Nếu làm đúng cách, hộp đựng Gangina có thể giữ cho nho hái vào mùa thu tươi đến tận mùa xuân năm sau để tung ra bán khi thị trường được giá.
Tàu biển tự động phát thải zero
Hãng Yara International (YI) của Na Uy vừa cho biết họ đã sản xuất thành công tàu biển chở hàng tự động đầu tiên trên thế giới có tên Yara Birkeland. Tàu Yara Birkeland chạy hoàn toàn bằng điện, sức chở 103 container với vận tốc tối đa 24 km/giờ và không cần thủy thủ đoàn. Điều đặc biệt là chiếc tàu biển chở hàng tự hành này phát tán khí thải bằng 0.
Tàu biển chở hàng tự động đầu tiên Yara Birkeland. |
Dự kiến Yara Birkeland sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên giữa hai địa danh là Heroya và Brevik vào cuối năm nay. Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), ngành vận tải biển đóng góp 2,5% - 3% lượng khí nhà kính phóng không trên quy mô toàn cầu. Song riêng Na Uy, "kinh đô" sản xuất tàu biển thế giới lại là nơi có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất. Gần như toàn bộ điện năng của Na Uy được sản xuất bằng thủy điện, nên thải ra ít carbon hơn so với đốt nhiên liệu hóa thạch cho dù vẫn tạo ra khí nhà kính.
Theo hãng YI, Yara Birkeland vận hành bằng pin 7 MWh sạc tại bến trước khi tới các cảng container dọc bờ biển rồi quay trở lại. Yara Birkeland có thể thay thế cho 40.000 chuyến xe tải mỗi năm. Nó không chỉ thân thiện với môi trường hơn các tàu chở hàng thông thường mà còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành vì không cần thủy thủ đoàn.
Thiết bị biến nước biển thành nước ngọt trong vài phút
Viện Kỹ thuật dân dụng và công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) vừa phát triển thành công thiết bị biến nước biển thành nước ngọt trong vài phút. Thiết bị mới này ưu việt hơn cách chiết xuất nước ngọt hiện có hoạt động kém hiệu quả, cần phải thay mới màng lọc thường xuyên. Trụ cột thiết bị của KICT là màng lọc nano đồng trục (Coaxial electrospun nanofiber membrane) hay màng CENM có thể hoạt động trong thời gian dài, lọc nước biển thành nước ngọt chỉ trong vài phút.
Màng CENM có thể hoạt động liên tục 1 tháng, cao gấp 14 lần so với thời gian hoạt động của các màng lọc truyền thống chỉ có 50 giờ. Thử nghiệm cho thấy màng lọc mới này có thể khử muối nước biển hiệu quả lên đến 99,99%, không bị tác động bởi các vấn đề thấm ướt và có thể thích hợp ở mọi nơi.
Pin mặt trời silicon hai mặt siêu công suất
Đại học quốc gia Australia (ANU) vừa phát minh loại pin mặt trời silicon hai mặt siêu công suất. Theo đó, hiệu suất chuyển đổi năng lượng ở mặt trước 24,3%, mặt sau là 23,4%. Nói chính xác hơn, đây là tế bào quang năng hai mặt (bifacial silicon solar cell) được ra đời bằng công nghệ laser doping. Mục tiêu của doping là để tăng độ dẫn điện cục bộ, và được đánh giá là “điểm nhấn” để sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời trong tương lai vì nó có nhiều ưu điểm như thao tác thuận lợi ở điều kiện nhiệt độ phòng, dễ kiểm soát và quan trọng hơn là có chi phí thấp nên phù hợp cho ứng dụng đại trà trong công nghiệp và ứng dụng dân sinh.
Pin mặt trời silicon hai mặt siêu công suất. |
Kết quả, pin mới có hiệu quả sinh thêm 30% điện so với pin silicon một mặt tốt nhất hiện nay. Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu trên sẽ mở đường cho công nghệ năng lượng mặt trời phát triển trong bối cảnh thế giới đang hướng tới một xã hội phát tán khí thải bằng 0.
Gỗ chế từ... phế phẩm trà được trao giải JDA 2021
Một sinh viên người Mỹ tên là Gabe Tavas (21 tuổi) ở Đại học Illinois (Mỹ) mới được trao giải về sáng kiến tạo ra gỗ mà không cần chặt cây. Loại gỗ nói trên có tên Pyrus, thực chất là vật liệu y như gỗ, được sản xuất với chất thải cellulose từ trà kombucha.
Kombucha là một loại trà lên men nhờ Scoby, một loại nấm men được nuôi trong nước trà (trà đen hoặc trà xanh) có đường, để tạo ra loại đồ uống sủi bọt có tính axit nhẹ. Theo Gabe Tavas, mỗi thanh gỗ đều có hai thành phần thiết yếu cellulose và lignin (chất keo) và các phụ gia khác. Để tạo ra Pyrus, Symmetry đã hợp tác với hội doanh nghiệp The Plant để được cung cấp hơn 100kg phế phẩm từ kombucha. Vật liệu cellulose sau đó được trộn để có độ đặc đồng đều trước khi nhúng vào một loại gel. Khi gel khô đi, nó cứng lại và được đặt dưới một máy ép cơ học để tạo thành tấm vật liệu giống như gỗ phẳng. Vật liệu này sau đó có thể được chà nhám, cắt và phủ nhựa resin, giống y như gỗ xẻ ra từ thân cây.
Nguyễn Duy
(Dịch từ KTC/ANC/EC/SFO/RNC/FCC- 8/2021)
Ý kiến bạn đọc