Multimedia Đọc Báo in

Phát minh mới có tính ứng dụng cao trong cuộc sống

15:12, 05/12/2021

Công ty Green City Solutions (GCS) của Đức vừa giới thiệu hệ thống lọc không khí ngoài trời tận dụng khả năng của những sinh vật sinh sôi cực nhanh trong tự nhiên, như loài rêu. Thiết bị có tên CityTrees vừa được lắp đặt tại trung tâm thành phố Cork của Ireland. CityTrees thực chất là robot thông minh có khả năng lọc bụi mịn và giúp giảm nhiệt độ không khí, có lợi cho sức khỏe con người.

CityTree dùng rêu chuyển đổi chất ô nhiễm thành sinh khối, chúng ăn chất ô nhiễm theo đúng nghĩa đen. Hiệu suất lọc không khí thường xuyên được đo bằng cảm biến chất lượng không khí thời gian thực. CityTree có thể giảm tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong khu vực xung quanh tới 53%. Thiết bị có công suất lọc 3.500 m3 không khí mỗi giờ, tương ứng với lượng không khí hít thở mỗi giờ của khoảng 7.000 người. Ngoài bụi mịn, CityTree còn giúp giảm nhiệt độ không khí tới 2,5 độ C thông qua sự bay hơi từ bề mặt rêu. Để duy trì khả năng lọc và làm mát, CityTree cần khoảng 4 lít nước mỗi giờ và 120 watt điện.

Thiết bị lọc không khí bằng rêu

Xe máy điện gấp gọn biến thành bàn máy tính

Để đối phó với tình trạng khủng hoảng năng lượng, hãng khởi nghiệp Icoma của Nhật Bản vừa phát triển thành công một loại xe máy điện có tên Icoma Tatamel Bike (Tatamel) có thể gấp gọn như vali kéo, hay bố trí trở thành bàn máy vi tính rất tiện lợi. Tatamel khi gấp lại chỉ dài 0,7 m, cao 0,68 m và rộng 0,26 m, có thể mang vác, kéo đi như vali nhờ bánh ở trước và sau.

Theo Icoma, Tatamel được trang bị hệ thống treo trước và sau, đèn LED chiếu sáng. Nguyên mẫu Tatamel có thể hoạt động với đầy đủ chức năng, khi vận hành, xe dài 1,23 m, cao 70 cm và rộng 60 cm. Xe dùng động cơ 600 watt với pin 12.000 mAh, tốc độ tối đa 40 km/giờ và phạm vi chạy dài tới 50 km. Tại Nhật, phương tiện này được xếp trong nhóm xe moped, người lái chỉ cần có bằng lái xe tiêu chuẩn thông thường là sử dụng được.

Trồng lúa mạch chuyển gen để sản xuất thịt

Các nhà khoa học tại Công ty ORF Genetics, Iceland hiện đang trồng thử nghiệm 100.000 cây lúa mạch biến đổi gen để lấy protein chứa yếu tố tăng trưởng (GFP) phục vụ mục đích sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm. Nhà kính trồng lúa nói trên được trang bị hệ thống thủy canh hiện đại, dùng bọt đá núi lửa để canh tác.

Lúa mạch sau khi thu hoạch sẽ được chiết xuất protein có chứa yếu tố tăng trưởng để giúp kích thích sự phát triển các mô nhất định. Yếu tố tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự biệt hóa tế bào và phân bào, diễn ra trong nhiều sinh vật, kể cả con người, côn trùng hay động vật lưỡng cư. Lúa mạch là cây trồng lý tưởng để sản xuất các yếu tố tăng trưởng vì nó thích hợp với nhiều kiểu khí hậu,  không giao phấn với các loại cây trồng xung quanh.

GFP từ lúa mạch của ORF Genetics được xem là ứng viên sáng giá cho việc sản xuất thịt phi động vật. Việc sản xuất thịt từ phòng thí nghiệm đòi hỏi ít đất và năng lượng hơn, thải ra ít chất độc hại hơn nên mang tính kinh tế, môi trường cao và được xem là giải pháp an ninh lương thực khả thi trong tương lai.

Chẩn đoán mức độ căng thẳng của cơ thể bằng mồ hôi

Các chuyên gia ở Công ty EnLiSense LLC, Đại học Texas (Mỹ) vừa trình làng một loại cảm biến siêu nhạy không dây, có thể phát hiện chính xác mức độ glucose và cortisol, hai hợp chất tự nhiên thường được coi là hormone căng thẳng của cơ thể. Thực ra, đây là một miếng dán rộng 120 mm2 có thể phát hiện dấu ấn sinh học trong lượng mồ hôi thấp từ 1 đến 3 microlit.

Cảm biến có chi phí sản xuất thấp và độ chính xác cao. Nó được làm bằng graphene, một loại “siêu vật liệu” có nguồn gốc từ carbon nguyên chất. Một tấm nhựa được khắc bằng tia laser để tạo ra cấu trúc graphene 3D với các lỗ nhỏ li ti. Cấu trí tế vi này có thể phân tích lượng mồ hôi tiết ra, cho biết  tình trạng căng thẳng của người trong cuộc cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác như lo lắng, rối loạn căng thẳng sang chấn và trầm cảm. Qua thử nghiệm cho thấy, mẫu mồ hôi ở con người nồng độ cortisol và glucose tăng giảm theo chu kỳ hằng ngày. Nếu cao chứng tỏ thấy mức độ căng thẳng gia tăng và tình trạng sức khỏe tâm thần có vấn đề. Bệnh nhân trầm cảm hay bị căng thẳng tâm lý thường có hai chỉ số này cao hơn người bình thường khỏe mạnh.

Robot tiêm vắc xin không đau

Cùng với việc sử dụng xilanh tiêm vắc xin COVID-19, các nhà khoa học ở Đại học Waterloo, Mỹ (UoW) hợp tác với khởi nghiệp Canada tạo ra một hệ thống “bác sĩ robot” để hỗ trợ tiêm chủng không cần tới kim tiêm. Nhờ robot, quy trình tiêm trở nên đơn giản, tự động, giúp người tiêm cảm thấy dễ chịu hơn.

Robot tiêm vắc xin không đau

Robot Cobit được phát triển bởi Công ty khởi nghiệp Cobionix của Canada. Đây là robot đầu tiên thực hiện thành công việc tiêm bắp mà không cần sử dụng kim tiêm dưới da. Sau khi ID của robot xác minh đối tượng, cánh tay Cobi lấy vắc xin từ hộp lưu trữ tích hợp sẵn. Một cảm biến LiDAR trên cánh tay robot được sử dụng để tạo bản đồ kỹ thuật số 3D về cơ thể bệnh nhân, phân tích thông qua phần mềm dựa trên AI để xác định vị trí tiêm tối ưu. Bằng cách sử dụng công nghệ không dùng kim tiêm, vắc xin sau đó được đưa qua da nhờ một tia chất lỏng cao áp đi qua một lỗ rộng bằng sợi tóc con người.

Lợi thế của robot là có thể dùng cho chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp, trong đó có chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân ở những  vùng xa xôi thiếu bác sĩ.

Hùng Nguyễn

(Theo TCU/NPC/FC/WEC/NAC/IEC/BQC- 10 và 11/2021)

 


Ý kiến bạn đọc