Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu

10:26, 31/01/2022

Chuyển đổi số trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, địa phương không chỉ được xem như như một giải pháp để thích ứng với tình hình thực tế mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế hiện nay.

Linh hoạt chuyển đổi số

Chủ động ứng dụng công nghệ, những năm qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đã quen thuộc với việc sử dụng phần mềm khai báo thuế, chữ ký số, phần mềm kế toán… mang lại nhiều tiện ích trong hoạt động. Khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động bán hàng trực tiếp bị thu hẹp, Công ty nhanh chóng có giải pháp thích ứng, đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; qua đó đã giúp hồi phục được khoảng 60%.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng số hóa để thích ứng với thực tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Một doanh nghiệp công nghệ của TP. Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm tại hội thảo về chuyển đổi số diễn ra ở TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 3/2021.

Với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), trước đây cán bộ ngành và đại lý thu thường đến tận địa phương, từng thôn, buôn, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, BHXH các địa phương đã linh hoạt, thích ứng bằng việc tuyên truyền qua hình thức online như mạng xã hội Facebook, Zalo, livestream và hệ thống truyền thanh, truyền hình… Không những thế, các thủ tục hành chính, hồ sơ, chi trả chế độ hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm cũng được giải quyết qua hình thức số hóa; khuyến khích việc nhận chế độ bảo trợ, lương hưu qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt... 

Với ngành giáo dục, chuyển đổi số hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học với tinh thần “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh, toàn ngành nói chung và đội ngũ thầy cô giáo đã khắc phục khó khăn, biến thách thức thành cơ hội; coi đây là “cú hích” để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo, linh hoạt thay đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến, đảm bảo việc truyền đạt kiến thức cho học sinh và an toàn phòng, chống dịch.

Xu hướng tất yếu trong cách mạng 4.0

Tháng 9/2021, Đắk Lắk đã đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Dak Lak IOC) với 5 dịch vụ đô thị thông minh, gồm các ứng dụng: giám sát dịch vụ công trực tuyến; giám sát điều hành kinh tế - xã hội; phản ánh hiện trường; giám sát camera an ninh trật tự và điều hành giao thông; giám sát an toàn thông tin. Các ứng dụng này không chỉ góp phần hỗ trợ lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát, điều hành, theo dõi, tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân mà còn giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ từ xa, giảm đi lại, giảm tiếp xúc, giảm thời gian, chi phí. Đây cũng là những bước đi khởi đầu để Đắk Lắk từng bước hiện thực mục tiêu xây dựng chính quyền số.

Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm giới thiệu sản phẩm tại một hội thảo về chuyển đổi số.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, xác định chuyển đổi số là cơ hội vô giá, tỉnh Đắk Lắk đã quyết tâm xây dựng lộ trình cụ thể, đầu tư nguồn lực bài bản nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo, phát triển đột phá về cách thức quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước để phục vụ người dân hiệu quả. Mục tiêu hướng tới trong giai đoạn 5 năm tới của tỉnh là chuyển đổi số sẽ thay đổi tư duy, hành động của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Vào đầu tháng 12/2021, UBND tỉnh đã kết nối với các công ty công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh lên phương án, kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc chuyển đổi số một cách toàn diện như chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, xây dựng website thương mại điện tử chuyên nghiệp, giải pháp thư điện tử chuyên nghiệp, giải pháp tăng nhận diện thương hiệu…

Có thể nói, việc chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội sẽ giúp các đơn vị, ngành, doanh nghiệp tăng sức “đề kháng”, khẳng định thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiến gần hơn với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh Đắk Lắk chủ trương liên kết, phát huy mọi nguồn lực xã hội, chuyển đổi số từng bước chắc chắn và hiệu quả; phấn đấu đến năm 2025, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh sẽ nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc