Giải pháp mới, hiệu quả trong bảo quản hạt giống cà phê
Năm 2021, giải pháp “Ứng dụng công nghệ sấy nhiệt độ, ẩm độ thấp và giải pháp kiểm soát ẩm độ, nhiệt độ kho để bảo quản hạt giống cà phê trong thời gian dài” do kỹ sư Phạm Văn Thao (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) chủ trì nghiên cứu được Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đắk Lắk chọn tham dự Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và đạt giải Ba.
Trước đó, giải pháp này đã được trao giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII (2020 - 2021). Đây có thể nói là công trình khoa học mang lại hiệu quả cao trong sản xuất giống cà phê.
Trong sản xuất hạt giống cà phê, việc làm khô và bảo quản là rất quan trọng, bởi nếu làm khô tốt thì sẽ đảm bảo hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, vỏ thóc của hạt giống không bị nứt, vỡ và ít ảnh hưởng tới chất lượng trong quá trình bảo quản. Bảo quản hạt giống trong điều kiện tốt và thời gian dài từ 6 - 7 tháng sẽ chủ động được trong sản xuất và cung cấp cây giống kịp thời, giúp cây trồng phát triển nhanh trong mùa mưa và chịu được mùa khô đầu tiên, tiết kiệm được 1 năm trồng mới so với cây giống trồng cuối mùa mưa.
Kỹ sư Phạm Văn Thao giới thiệu về giải pháp mới trong bảo quản hạt giống cà phê. |
Giải pháp của kỹ sư Phạm Văn Thao và các cộng sự dựa trên việc ứng dụng công nghệ sấy lạnh (sấy bơm nhiệt) để làm khô hạt giống cà phê trong điều kiện thời tiết không thuận lợi (mưa nhiều, không có nắng) giúp việc sản xuất hạt giống được đảm bảo, hạt giống đạt chất lượng tốt, màu sắc đẹp. Nguyên lý công nghệ là sử dụng tác nhân sấy không khí ở ẩm độ (dưới 40%) và nhiệt độ thấp (dưới 350oC) đi qua vật sấy (hạt giống) để tách ẩm. Vật sấy được làm khô ở nhiệt độ khá thấp (bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ môi trường) sẽ giữ được bản chất tự nhiên về màu sắc hạt giống, không gây tổn hại đến sức sống và tỷ lệ nảy mầm của hạt.
Giải pháp cũng dựa trên việc kiểm soát nhiệt độ và ẩm độ trong kho bảo quản hạt bằng phương pháp sử dụng bao bì, xếp lớp và cát mịn được xử lý đạt yêu cầu để kiểm soát điều kiện bảo quản (ẩm độ, nhiệt độ) trong thời gian dài, tránh ảnh hưởng của môi trường xung quanh để kéo dài thời gian bảo quản hạt giống, phục vụ nhu cầu cung cấp sớm cây giống cho vụ tiếp theo.
Kỹ sư Phạm Văn Thao (bìa trái) tại Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII. |
Theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, ứng dụng công nghệ sấy lạnh để làm khô hạt giống cà phê là ứng dụng mới, lần đầu tiên được thực hiện trong sản xuất hạt giống cà phê, giúp việc sản xuất hạt giống luôn được chủ động, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, rút ngắn thời gian làm khô, tăng hiệu quả sản xuất và đảm bảo hạt giống đạt chất lượng tốt trong điều kiện sản xuất không thuận lợi (mưa nhiều).
Ứng dụng kỹ thuật bảo quản hạt giống trong cát sạch, khô, mịn đã được xử lý là kết quả nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực bảo quản hạt giống cà phê giúp tăng thời gian bảo quản hạt giống từ 1 - 1,5 tháng hiện nay lên từ 6 - 8 tháng mà vẫn đảm bảo tỷ lệ nảy mầm hơn 70%. Biện pháp lưu trữ hạt giống cà phê mùa vụ trước từ 6 - 8 tháng để thực hiện việc sản xuất cây giống, cây giống làm gốc ghép sớm, không phụ thuộc vào mùa vụ thu hái hạt giống là rất thiết thực và mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao khi kịp thời cung cấp cây giống đầu vụ cho nông dân.
Đoàn Văn Thanh
Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đắk Lắk
Ý kiến bạn đọc