Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp làm cà phê chín cho công nghệ chế biến ướt

08:22, 06/04/2022

Hiện nay có khá nhiều nông hộ, hợp tác xã, công ty chế biến cà phê sử dụng phương pháp chế biến ướt trong sản xuất cà phê. Tiêu chuẩn đối với phương pháp chế biến ướt yêu cầu cà phê có tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên, nên cần phải thu hoạch từ 3 - 4 lần. Đây là một trong những khó khăn trong phát triển cà phê chế biến ướt và cà phê chất lượng cao.

Từ thực tế trên, TS. Phan Thanh Bình chủ trì và cùng các nhà khoa học tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu giải pháp ứng dụng ethephon để xử lý quả cà phê làm chín đồng loạt phục vụ công nghệ chế biến ướt.

Chế biến cà phê theo công nghệ ướt. Ảnh: Internet
Chế biến cà phê theo công nghệ ướt. Ảnh: Internet

Nguyên lý của giải pháp là sử dụng hiệu quả làm chín của khí etylen được tạo ra khi chế phẩm ethephon tiếp xúc với nước. Qua nghiên cứu cơ chế tác động của etylen tới quả và các tế bào thực vật, các nhà khoa học đã sử dụng ethephon để kích thích tạo các phản ứng sinh hóa và hóa sinh trong cây cà phê và quả cà phê nhằm giúp quá trình chín của quả được nhanh, đồng đều hơn.

Bản chất của quá trình sử dụng ethephon không chỉ là sự biến đổi màu sắc của lớp vỏ mà còn là sự biến đổi sâu sắc về mặt sinh lý, sinh hóa trong quả, trong đó đặc biệt có sự biến đổi tinh bột thành đường, chuyển hóa màu sắc, biến đổi các protein thành các hợp chất thơm… từ đó chuyển hóa quả cà phê từ dạng còn xanh sang dạng thuần thục và chín. Vì vậy phun chế phẩm ethephon thích hợp giúp cho cà phê chín tập trung, rút ngắn thời gian thu hoạch mà không ảnh hưởng đến năng suất, phẩm cấp hạt.

Thời điểm phun chế phẩm vào buổi sáng từ 7 - 10 giờ hoặc buổi chiều từ sau 3 giờ, lúc trời ít nắng. Cần xác định thứ tự phun sao cho phù hợp: cây nào phun trước thì thu hoạch trước, cây nào phun sau thì thu hoạch sau. Cách phun: Phun đều lên bề mặt quả cà phê, từ các quả phía trong thân ra phía ngoài và từ dưới lên trên. Hạn chế thấp nhất phun chế phẩm lên các cành có nhiều lá, trên ngọn và các cành không có quả, đặc biệt đối với các cành, lá ở tầng sẽ ra quả vào năm tiếp theo.

Kết quả xử lý ethephon đã cho thấy: Tất cả các công thức có phun chế phẩm ethephon qua các ngày theo dõi đều cho tỷ lệ chín nhanh hơn so với đối chứng không phun khá nhiều, từ 15 tới 30 ngày. Đây là phương pháp rất thích hợp cho thu hoạch bằng cơ giới hóa bởi tỷ lệ chín trên cây cao. Chỉ cần thu hoạch một lần là đảm bảo tiêu chuẩn quả thu hoạch để chế biến ướt.

Với những ưu điểm nêu trên, Giải pháp “Ứng dụng ethephon để xử lý quả cà phê làm chín đồng loạt phục vụ công nghệ chế biến ướt” đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII (2020 – 2021).

Đoàn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.