Phát minh mới trong lĩnh vực năng lượng - giao thông
Công nghệ sạc xe điện trong tích tắc
Trung tâm Vật lý lý thuyết các dây chuyền phức hợp thuộc Viện Khoa học cơ bản (IBS), Hàn Quốc vừa phát minh công nghệ sạc lượng tử giúp tăng tốc độ sạc xe ô tô điện (EV) nhanh gấp 200 lần so với phương pháp truyền thống. Hiện nay, xe điện thường mất khoảng 10 tiếng để sạc, nhanh cũng phải mất 20 - 40 phút nếu sạc tại các trạm sạc, vừa tốn chi phí lại mất công chờ đợi.
Giải quyết rào cản nói trên, các chuyên gia ở IBS đã tìm đến với vật lý lượng tử và phát hiện ra rằng công nghệ lượng tử có thể hứa hẹn giải pháp mới giúp sạc pin nhanh hơn. Mục tiêu nghiên cứu mới của IBS là cho ra đời loại pin lượng tử mới với tốc độ sạc tăng cao. Theo đó, thời gian sạc tại trạm có thể giảm từ 30 phút xuống chỉ còn 9 giây, còn sạc ở nhà từ 10 tiếng nay giảm còn 3 phút.
Kỷ lục Guinness cây năng lượng mặt trời lớn nhất hành tinh
Sách Kỷ lục Guinness thế giới (GWR) có trụ sở tại Anh vừa cấp giấy chứng nhận cây năng lượng mặt trời (NLMT) lớn nhất thế giới do người Ấn Độ lập. Cây năng lượng này có diện tích bề rộng 309,83 m2, được phủ kín bằng pin mặt trời PV. Đây là sản phẩm của Trung tâm Máy nông nghiệp công nghệ cao ở Ludhiana, Punjab, thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (CMERI). Cây năng lượng của CEFM lớn hơn gần 4,6 lần so với kỷ lục của cây NLMT hiện có, diện tích chỉ đạt 67 m2 pin PV, công suất phát điện là 53,6 kWp, tạo ra 160 - 200 kWh mỗi ngày.
Những cây NLMT kiểu này có ứng dụng rộng rãi như sản xuất điện phân tán để phục vụ cho các nhu cầu tại chỗ như hoạt động canh tác tích hợp: sạc máy kéo điện tử, máy xới điện tử, và trạm sạc xe điện EV; chạy máy bơm nông nghiệp phục vụ nhu cầu tưới tiêu; hệ thống nấu ăn dựa trên năng lượng mặt trời để chuẩn bị thực phẩm tại trang trại hay cung cấp năng lượng cho nhu cầu bảo quản đông lạnh nông sản, hay nhiều ứng dụng tương tự khác.
Cây năng lượng mặt trời ở Ấn Độ vừa được công nhận kỷ lục Guinness. |
Cánh quạt turbine gió lớn nhất thế giới tái chế được
Tập đoàn năng lượng Mỹ General Electric (GE) vừa thông báo đã sản xuất thành công cánh quạt turbine gió nhựa dẻo lớn nhất thế giới có thể tái chế được vào cuối vòng đời sử dụng. Vật liệu sản xuất là hợp chất nhựa nhiệt rắn như trong cánh quạt turbine gió hiện nay vẫn không thể tái chế được khiến lượng thải ngày càng tăng. Vào giữa thế kỷ này, lượng thải nhựa nhiệt rắn trong cánh quạt turbine gió có thể lên tới 43 triệu tấn như một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) công bố mới đây.
Cánh quạt turbine của hãng GE dài 62 m được làm từ nhựa Elium của Arkema, một loại nhựa nhiệt dẻo được gia cố bằng sợi thủy tinh. Không chỉ là vật liệu có thể tái chế 100%, mà nó được cho là mang lại mức hiệu suất tương tự như nhựa nhiệt rắn vốn được ưa chuộng vì siêu nhẹ và siêu bền. Thông qua phương pháp tái chế hóa học, vật liệu có thể được khử phân ly và biến thành một loại nhựa nguyên sinh mới để tái sử dụng, hoạt động như một bằng chứng về khái niệm cho một vòng tròn năng lượng gió khép kín, hoàn hảo.
Công nghệ cảng thông minh
Tại Trung Quốc, công nghệ cảng thông minh đã được hãng Huawei tiên phong ứng dụng. Cảng Liantang ở Thâm Quyến (Trung Quốc) đã và đang sử dụng quá trình xử lý kỹ thuật số, hoạt động tự động và các thiết bị thông minh để tăng cường dịch vụ của mình. Kết nối đô thị sầm uất của Thâm Quyến với Hồng Kông gần đó, cảng đón gần 10.000 phương tiện qua lại mỗi ngày. Cảng Liantang là cảng đất liền, sử dụng hệ thống thông tin một cửa do Huawei cung cấp. Theo đó, các phương tiện có thể được kiểm tra và thông quan để qua rào ngăn với một lượt kiểm tra duy nhất, cắt giảm được rất nhiều thời gian thông quan.
Giải pháp Cảng thông minh của Huawei được cung cấp bởi một số công nghệ bao gồm truyền thông, thuật toán nâng cao, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Nền tảng liền mạch cho phép các cơ quan hải quan tập trung vào 4 lĩnh vực chính: thông quan thông minh, chỉ huy cộng tác trực quan, dịch vụ thông quan thuận tiện và quản lý hiệu quả.
Khắc Duy
(Theo GCC/PMAC/GE/SCWN- 3/2022)
Ý kiến bạn đọc