Multimedia Đọc Báo in

Những bóng hồng tiên phong trong khám phá mạo hiểm

14:16, 04/04/2023

Tabei Junko - người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest

Tabei Junko (1939 – 2016) là một nhà leo núi, nhà văn, giáo viên người Nhật Bản. Bà là người phụ nữ đầu tiên leo lên đến đỉnh núi Everest và bảy đỉnh núi cao nhất mỗi châu lục. Tabei còn là nhà văn nổi tiếng, là người tổ chức các dự án dọn rác trên núi Everest (rác do những người leo núi bỏ lại), và dẫn đầu các cuộc leo núi hằng năm lên núi Phú Sĩ (Nhật Bản) cho những thanh niên bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở miền Đông Nhật Bản năm 2011.

Bà Tabei Junko.

Năm 1969, Tabei Junko thành lập Câu lạc bộ Joshi - Tohan (câu lạc bộ leo núi dành cho phụ nữ). Khẩu hiệu của câu lạc bộ là “Hãy tự mình đi thám hiểm nước ngoài”. Tabei sau đó đã kể rằng lý do bà thành lập câu lạc bộ là do cách đối xử với phụ nữ của những người đàn ông leo núi thời đó; chẳng hạn, một số người đàn ông từ chối leo núi với bà, trong khi những người khác cho rằng bà thích leo núi cốt là để tìm chồng.

Câu lạc bộ Joshi - Tohan bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên vào năm 1970, leo lên ngọn núi Annapurna III của Nepal. Tháng 5/1975, Câu lạc bộ Joshi - Tohan quyết định chinh phục đỉnh Everest với một nhóm ban đầu gồm 15 phụ nữ. Vào ngày 16/5/1975 cùng với người hướng dẫn Ang Tsering, Tabei đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lên đến đỉnh Everest.

Tên của người phụ nữ xuất sắc này đã được giới thiên văn học chọn để đặt tên cho tiểu hành tinh 6897 Tabei, và năm 2019, một dãy núi trên sao Diêm Vương được đặt tên Tabei Montes, theo chủ đề “Những người tiên phong trong lịch sử đã vượt qua những chân trời mới trong việc khám phá trái đất, biển và bầu trời”.

Barbara Hillary - người phụ nữ đầu tiên chinh phục cả Bắc lẫn Nam Cực

Bất chấp định kiến về tuổi tác và chủng tộc, nhà thám hiểm người Mỹ gốc Phi Barbara Hillary (1931 – 2019) là người phụ nữ da đen đầu tiên đến cả Bắc Cực lẫn Nam Cực, lần lượt ở độ tuổi 75 và 79, mặc dù bà bị ung thư vú lúc 20 tuổi và ung thư phổi ở tuổi 60.

Bà Barbara Hillary.

Hillary sinh ngày 12/6/1931 tại New York (Mỹ), lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Sau khi tốt nghiệp trường y, bà trở thành y tá, hành nghề trong 55 năm trước khi nghỉ hưu. Khoảng năm 1998, Hillary được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, phải phẫu thuật cắt bỏ phổi. Đây là lần chẩn đoán ung thư thứ hai, sau lần chẩn đoán đầu bị ung thư vú ở độ tuổi 20. Hillary hoạt động tích cực trong cộng đồng da đen và là người sáng lập Hiệp hội Hành động Arverne, Inc., một nhóm chuyên cải thiện cuộc sống ở Arverne, New York và đảo Rockaway. Bà còn là người sáng lập và là Tổng Biên tập của Tạp chí The Peninsula, tạp chí phi lợi nhuận và đa chủng tộc ở New York.

Sau khi nghỉ việc điều dưỡng, Hillary bắt đầu cuộc phiêu lưu bằng chó kéo xe trượt tuyết ở Quebec và chụp ảnh gấu bắc cực ở Manitoba. Khi biết rằng chưa có phụ nữ da đen nào đặt chân đến Bắc Cực, bà đã quyết tâm trở thành người đầu tiên làm điều này. Vào ngày 23/4/2007, ở tuổi 75, bà trở thành một trong những người lớn tuổi nhất và là người phụ nữ da đen đầu tiên đặt chân lên Bắc Cực. 5 năm sau, ở tuổi 79, bà trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được ghi nhận đứng ở Nam Cực. Sau khi đến thăm các cực, Hillary quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu đối với các chỏm băng ở hai cực và thế giới bên ngoài, đồng thời thuyết trình trước công chúng về chủ đề này.

Nhờ thành tích hoạt động xã hội, môi trường và nữ quyền, Barbara Hillary được trao nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như Hạ viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết công nhận và tôn vinh thành tích của bà khi đến được Bắc Cực năm 2007. Năm 2008, bà được trao giải thưởng Người Phụ nữ can đảm từ Tổ chức Quốc gia về phụ nữ; và năm 2020 được ghi nhận trong Đại sảnh danh vọng phụ nữ quốc gia Mỹ.

Sức khỏe của bà bắt đầu suy giảm vào năm 2019. Sau khi được đưa vào bệnh viện ở Far Rockaway, New York, bà qua đời ngày 23/11/2019 ở tuổi 88.

Hùng Duy (Theo NWC/AJC/EWWO/NYC- 2/2023)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.