Multimedia Đọc Báo in

Ngự trà cam khổ của chốn cung đình nhà Nguyễn

08:34, 27/08/2024

Từ hương vị hoang dã của thảo mộc đến chốn cung đình

Trà cam khổ là loại trà thượng hạng xưa được người dân Bình Định sao chế, để cung tiến vua chúa Nguyễn ngự dùng.

Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, quyển 9, trang 68, 69 ghi cụ thể những thổ sản đặc trưng ở Bình Định: “…Quả xoài tượng, ngon nhất là ở ba huyện Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước; quả Trà viên ở núi An Tượng huyện Tuy Viễn, hình dáng như quả sung sắc xanh vị ngọt, đời vua Minh Mệnh có lệnh cống; bí, mướp, mướp đắng, dưa hấu các thứ ấy sản ở huyện Phù Mỹ là ngon hơn cả; lá vằng: chữ hán là khổ diệp trà tức Qua lô, sản vật ở núi Hà Ra thuộc huyện Phù Cát, có lệ cống”.

Quách Tấn - nhà nghiên cứu văn hóa miền Trung trong cuốn Nước non Bình Định, chép rằng: “Ngày xưa, cam khổ là loại trà quý, là vật dụng tiến các chúa, vua Nguyễn. Ở vùng Trần Gia Tổ sơn (bản quán danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu) vốn là loại trà này”.

Vùng Kim Sơn, Vạn Hội, Lạc Phụng núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân có hai loại cây mọc hoang dã trên gò đồi, ven chân núi, rất quý hiếm, cho đến nay vẫn chưa thuần hóa được. Một loại trà cam, loại kia là trà khổ.

Tương truyền vùng Kim Sơn có ba thứ tuyệt phẩm đó là mỹ nhân, trà cam khổ và sa ngư (cá bống cát). Thứ trà này được chế biến từ búp cây chè, hái vào lúc mờ sáng, phơi trở đủ 9 sương, 9 nắng rồi đem sao đảo thâu đêm trên lửa đến khi lá săn lại, khi nào tỏa mùi hương thì ngừng lại.

Trước đây người dân nấu lá chè tươi để uống, nên việc chế biến trà ít người biết đến. Mãi sau này có nhà quan nhân trí sỹ hiểu được cách làm trà ở xứ Bắc làm thử chế biến phục vụ thú ẩm, không ngờ hương vị thơm ngon của cây chè hoang nơi rừng núi. Những buổi trà dư tửu hậu bình phẩm thi ca, loại trà lạ mới được mang ra khoe và cứ thế tiếng đồn xa vang đến vương phủ Phú Xuân.

Trong cuốn Văn minh trà Việt của Trịnh Quang Dũng ( NXB Phụ Nữ 2012) ghi rằng: “Định vương Nguyễn Phúc Thuần muốn ngự lãm truyền lệnh tiến nạp ngự dụng. Chúa muốn một, quyền thần Trương Phúc Loan muốn mười, Tổng đốc Dinh Quảng Nam hiểu hàng trăm, Tuần phủ Hoài Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên hiểu thành nghìn và nhanh chóng trà cam khổ vang danh khắp xứ Đàng Trong”.

Trà cam lá nhỏ, có vị ngọt. Trà khổ lá to, xanh, dày và cứng, đọt non đắng nhân nhẫn bởi thế người ta gọi là khổ.

Danh trà mang nợ một nỗi đau

Huyền sử xứ Hoài Ân kể rằng danh trà cam khổ xuất phát từ mang nợ một nỗi đau. Có người tên Tỵ ở làng Thanh Lương được giao trọng trách quanh năm suốt tháng quần đảo khắp triền núi để canh chè, mà giống khỉ vùng này rất thích lá chè non. Một ngày ông Tỵ ngủ quên, đàn khỉ tranh nhau ăn hết, không còn lấy một ngọn.

Năm ấy không có trà tiến chúa, ông bị chém đầu. Năm ông Tỵ chết oan, mây trắng không chịu bay, cứ quanh quẩn quanh ngọn Kim Bồng. Một ông quan tên là Trần Tấn (cha của danh tướng Trần Quang Diệu trong thời Tây Sơn) ở Vạn Hội thương xót mới đặt tên là trà cam khổ. Bọn đồng liêu thóc mách đàn hặc lên quan trên, ông Tấn suýt bị án.

Trà cam khổ được cổ nhân chế biến 2 ngọt 1 đắng mà thành. Cũng theo cuốn Văn minh trà Việt: “Nâng chén trà Cam khổ nghi ngút, bọt trắng chấp chới viền quanh mặt nước sóng sánh xanh ngắt, trong veo màu mắt mèo, thoáng chút hương mông mốc của cành rừng khô thiên nhiên, có vẻ chưa hấp dẫn nhưng chỉ nhấp thử một ngụm, cổ họng bỗng tràn vị ngọt thơm hàng giờ không dứt. Người đã thưởng qua trà cam khổ, dễ sinh nghiện, khi ấy mọi thứ danh trà quý hiếm truyền tụng cổ kim có từ lâu đời ở Trung Quốc như trà Long Tỉnh (Chiết Giang), Trảm Mã (Tứ Xuyên), Bạch Mao Hầu (Phúc Kiến)… đều rơi xuống hàng thứ phẩm”.

Trà Cam khổ bây giờ rất hiếm, là loại trà quý đang mai một dần, danh tiếng một thời là vật phẩm tiến vua chúa, ít người biết đến. Cư dân Hoài Ân vẫn luôn tự hào và truyền tụng danh trà ấy: “Đây trà đặc sản tiến vua, nhấp môi hương dậy ngậm nghe vị đằm”.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc