Khi khoa học - công nghệ chưa có sự đột phá
Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ (KH - CN), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng, Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn những bất cập, chưa có sự đột phá để KH - CN thực sự là động lực tăng trưởng mới như kỳ vọng.
Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Xác định rõ tầm quan trọng của KH - CN, những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời triển khai, ban hành các văn bản chính sách như: Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển KH - CN giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 19/NQ-HĐND, ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KH - CN tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình 147/CTr-UBND, ngày 7/1/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách, tỉnh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng KH - CN và đổi mới sáng tạo như đầu tư xây dựng Dự án hai trại thực nghiệm KH - CN với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng; trang bị phòng thí nghiệm và trại thực nghiệm tập trung cho nhân giống, sản xuất chế phẩm, bảo quản nguồn gene quý hiếm; triển khai một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hàng trăm héc-ta...
![]() |
Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đăng Phong (Cụm công nghiệp Tân An) là doanh nghiệp khoa học - công nghệ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk. |
Với sự quan tâm, đầu tư đồng bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống, từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược đến nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn... Trong đó, nhiều tiến bộ đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống; phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật là ứng dụng kịp thời những tiến bộ KH - CN góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới trong khâu thu hoạch, chế biến một số loại nông sản, bảo đảm chất lượng xuất khẩu; lai tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt...
Còn nhiều rào cản
Có thể thấy, hoạt động KH - CN ngày càng đa dạng, trình độ đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của KH - CN ở Đắk Lắk chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong đó, trình độ công nghệ của một số ngành sản xuất còn thấp và lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang còn chậm, một số chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thị trường KH - CN bước đầu đã hình thành, tuy nhiên chưa có các sàn giao dịch công nghệ để tạo điều kiện trao đổi thông tin, mua bán các sản phẩm KH - CN.
![]() |
Sản phẩm chuối được trồng từ mô hình công nghệ cao phục vụ xuất khẩu của Công ty Cổ phần KD Green Farm (huyện Krông Pắc). |
Đội ngũ cán bộ KH - CN ở địa phương đã có sự phát triển cả về số lượng và trình độ đào tạo nhưng vẫn còn thiếu các chuyên gia giỏi và phân bổ chưa hợp lý. Chính sách đãi ngộ, thu hút, đào tạo đối với cán bộ KH - CN chưa thỏa đáng. Cầu nối giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất và đời sống tuy đã được chú trọng nhưng chưa đủ mạnh nên một số kết quả nghiên cứu còn chậm được ứng dụng vào thực tiễn. Một số mô hình tiên tiến chưa được đầu tư nhân rộng; chưa xây dựng được mạng lưới dịch vụ tư vấn về KH - CN để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin KH - CN thiết thực.
Chia sẻ về vấn đề này, theo Sở KH - CN, nguyên nhân là do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nhân tài, phát huy năng lực nội sinh, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH - CN chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được sự đóng góp từ các nguồn khác. Hệ thống tổ chức và hoạt động KH - CN ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu sự phối hợp cần thiết, nhất là trong việc chia sẻ thông tin các cơ sở dữ liệu; kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa đội ngũ cán bộ KH - CN ở cấp huyện, thị xã, thành phố và tỉnh còn gặp khó khăn.
Phần lớn doanh nghiệp của Đắk Lắk có quy mô vừa và nhỏ, ít đầu tư cho KH - CN nên trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới, dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, còn thiếu chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, nhất là cán bộ KH - CN trong các lĩnh vực trọng điểm, cán bộ KH - CN đầu ngành. Quỹ phát triển KH - CN tỉnh trong thời gian qua đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhưng các thủ tục còn phức tạp, doanh nghiệp tiếp cận còn khó khăn.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc