Multimedia Đọc Báo in

Cần sự đột phá trong giải quyết “sinh kế” vùng nông thôn

08:27, 03/08/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, hình ảnh hàng đoàn người buộc phải tạm rời khỏi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai trở về quê hương khiến nhiều người không khỏi xót xa, suy nghĩ.

Việc hàng loạt lao động phải tạm rời khỏi TP. Hồ Chí Minh và một số trung tâm công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai để trở về quê hương vào thời điểm này là không thể tránh khỏi.

Với một thành phố gần 9 triệu dân như TP. Hồ Chí Minh hay là nơi tập trung các khu công nghiệp lớn với số công nhân làm việc mỗi nơi lên đến hàng nghìn người như Bình Dương, Đồng Nai thì khi dịch bệnh bùng phát phức tạp như hiện nay, hệ thống y tế sẽ khó có thể đáp ứng kịp. Và việc người dân tạm “hồi hương” âu cũng là một trong những giải pháp "chia lửa" với các địa phương trên nhằm giải quyết sớm tình hình dịch bệnh.

Thế nhưng, hình ảnh từng đoàn người kéo nhau trở về quê đã nói lên một thực tế là rất nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống… buộc người dân phải tìm đến các đô thị, khu công nghiệp để tìm kiếm cơ hội.

Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, có gần 66% dân số Việt Nam đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch mang tính chiến lược để thúc đẩy phát triển khu vực này, trong đó nổi bật nhất là hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Những chương trình này đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện về mọi mặt. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã có những thay đổi vượt bậc, ngày càng hiện đại, đồng bộ, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá, thu nhập của người dân ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn cũng được chăm lo, nâng cao chất lượng.

Nhiều nông dân ở huyện Cư Mgar có thu nhập ổn định. Ảnh: Ngô Minh Phương
Giờ đây, nhiều lao động dân tộc thiểu số ở huyện Cư M'gar đã có thu nhập ổn định. Ảnh: Ngô Minh Phương

Vậy tại sao người lao động nông thôn vẫn phải tìm sinh kế ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, dù ở những nơi đó cuộc sống không ít bấp bênh? Điều này có chăng bắt nguồn từ những bất cập trong thực hiện chiến lược phát triển của chúng ta hiện nay, nhất là ở cấp thực thi.

Chẳng hạn, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, muốn đạt chuẩn xã nông thôn mới phải đạt được 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 12 là tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên phải đạt từ 90% số người trong độ tuổi lao động.

Thế nhưng có một thực tế là suốt một thời gian dài, chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương hầu như chỉ tập trung vào xây dựng hạ tầng mà thiếu quan tâm đến đầu tư, tạo điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế. Và lẽ tất nhiên khi mà ở nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống… thì người dân buộc phải tìm cách khác đáp ứng những điều đó.

Nói vậy không có nghĩa là vùng nông thôn không có cách để giữ chân người lao động. Trên thực tế đã có rất nhiều địa phương xây dựng được những vùng nông thôn “sống được”, không ít nông dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Như vậy, giải pháp để giữ chân lao động ở lại vùng nông thôn là có. Thế nhưng muốn làm được điều này, thiết nghĩ cần phải có sự thay đổi trong tư duy xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới cần nền tảng từ chủ thể là người nông dân, xuất phát từ thu nhập, sinh kế và chất lượng sống của người nông dân, lúc ấy mới bảo đảm sự phát triển bền vững.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.