Multimedia Đọc Báo in

Giải ngân vốn đầu tư công: "Chìa khóa" cho tăng trưởng kinh tế (kỳ 2)

06:53, 12/08/2021

“Bắt bệnh” tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã diễn ra từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đáng nói là vấn đề này lại luôn bắt nguồn từ những nguyên nhân cố hữu.

Từ chậm giải phóng mặt bằng...

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là khó khăn, vướng mắc lớn nhất, tồn tại lâu nhất và cũng là nguyên nhân chính gây chậm trễ tiến độ giải ngân trong quá trình triển khai, thực hiện nhiều dự án. Thậm chí, một số dự án đã triển khai, chuyển tiếp từ các năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có đủ mặt bằng để thi công.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những nguyên nhân cố hữu vẫn còn tồn tại từ năm này qua năm khác, gây nên tình trạng “ì ạch” trong giải ngân vốn đầu tư công đó là công tác GPMB chậm, dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án bị ảnh hưởng theo.

Thi công xây dựng Dự án Khu đô thị Ecocity (TP. Buôn Ma Thuột).

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hầu hết các chủ đầu tư đều chú trọng triển khai thực hiện các gói thầu xây lắp trong khi việc GPMB vẫn chưa hoàn thành. Chẳng hạn như Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột), tuy hiện nay các gói thầu xây lắp đã xong, nhưng công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành. Hơn nữa, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đền bù GPMB. Có một số dự án, chủ đầu tư để nhà thầu thi công tự liên hệ thực hiện công tác GPMB. Đây được xem là “điểm nghẽn” lớn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).

“Sự trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công một phần là do các chủ đầu tư chưa tích cực giải ngân, còn có ý chờ làm thủ tục giải ngân một lần đối với công trình có tổng mức đầu tư nhỏ. Một số chủ đầu tư chậm tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành nên không đủ điều kiện để làm thủ tục thanh toán”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà.

Về phía các chủ đầu tư, hầu hết đều cho rằng công tác GPMB trong các dự án chậm thực hiện là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xác định ranh giới các thửa đất trong một số dự án còn phức tạp, còn tồn tại tranh chấp giữa các hộ dân. Chính vì vậy, một số hộ dân không hợp tác ký các biên bản giáp ranh, kê khai, kiểm đếm nên phải mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất rất phức tạp, trình tự kéo dài qua nhiều bước và có nhiều đơn vị liên quan cùng thực hiện. Hiện nay, khi phê duyệt dự án, cơ quan thẩm định trình phê duyệt chỉ là giá tạm tính, không phân khai các chi phí thực hiện cụ thể như phương án chủ đầu tư rà soát, tổ chức lập, trình thẩm định. Điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là đối với những công việc cần thực hiện trước để lập phương án đền bù, hỗ trợ như công tác đo đạc địa chính, cắm mốc GPMB…

Bên cạnh đó, các nguyên nhân như: việc thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng theo thời gian quy định; công tác xác nhận nguồn gốc đất đai và thời điểm tạo lập tài sản; nhân lực phục vụ công tác GPMB chưa đáp ứng yêu cầu; vướng mắc trong vấn đề tạm ứng vốn… cũng làm chậm tiến độ GPMB.

Đến những nguyên nhân từ cơ chế chính sách

Theo lý giải của nhiều sở, ban, ngành, chủ đầu tư, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư XDCB thấp là do một số dự án mới được Trung ương thông báo số vốn kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 thuộc nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 nên các chủ đầu tư chưa kịp giải ngân. Các dự án khởi công mới đang tập trung thực hiện triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp, GPMB nên chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân. Hơn nữa một số dự án được bố trí đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nhưng việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân…

Hiện nay, nhiều địa phương chưa quy hoạch mỏ đất để khai thác thực hiện công trình và việc lập thủ tục khai thác đất liên quan đến nhiều cơ quan gây chậm tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc phân cấp về thẩm quyền và phê duyệt một số chi phí trong quá trình thực hiện dự án chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp dẫn đến vướng mắc trong quá trình thẩm định, phê duyệt khi triển khai thực hiện dự án.

Thi công xây dựng Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 9, đoạn Km 21+100 ÷ Km 27+00 (huyện Krông Bông).

Còn theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách, sở dĩ tỷ lệ giải ngân vốn XDCB thấp, ngoài nguyên nhân GPMB chậm thì còn nhiều lý do khác như việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thẩm định thiết kế… của nhiều dự án đã làm kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật về xây dựng thay đổi trong thời gian ngắn, nhiều nội dung quy định còn chồng chéo; công tác quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn vướng mắc; giá cả vật liệu xây dựng tăng cao…

Một nguyên nhân nữa khiến kết quả giải ngân vốn XDCB còn khiêm tốn là do chậm giải ngân các dự án ODA. Hiện nay, các chủ đầu tư vẫn còn đang tập trung giải ngân nguồn vốn ODA thuộc kế hoạch năm 2020 kéo dài sang năm 2021. Ngoài sự khác biệt về quy trình, thủ tục và chính sách của Việt Nam với các nhà tài trợ thì những nội dung liên quan đến công tác đấu thầu, GPMB, lập, thẩm định và phê duyệt dự án cũng có nhiều vướng mắc.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, đơn vị đang là chủ đầu tư của 3 dự án ODA trên địa bàn tỉnh, trong đó Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã giải ngân được gần 4,5/72,45 tỷ đồng, bằng 6,2% kế hoạch vốn năm 2021, còn lại 2 dự án chưa thực hiện giải ngân là Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập và Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quy trình liên quan đến công tác thẩm định dự án đều phải lấy ý kiến các nhà tài trợ, Ban Quản lý dự án Trung ương trước khi trình tỉnh phê duyệt. Trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc trao đổi, phản hồi để đi đến thống nhất với các bên liên quan đều bị kéo dài thời gian.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.