Gỡ khó cho nông sản vùng dịch ở Cư Kuin
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nông dân huyện Cư Kuin đang gặp khó khăn do kênh tiêu thụ nông sản bị thu hẹp, giá cả xuống thấp.
Nông dân gặp khó
Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, toàn huyện có khoảng 947 ha cây ăn quả, với tổng sản lượng ước đạt trên 9.000 tấn/năm. Trong đó chủ yếu là sầu riêng (350 ha, sản lượng 3.442 tấn), bơ (258 ha, sản lượng 1.960 tấn), mít (111 ha, sản lượng 906 tấn)... Ngoài ra, huyện còn có tổng đàn gia súc 65.587 con, gia cầm 602.170 con.
Hiện nay diện tích sầu riêng của huyện đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 30 - 40 tấn/ngày nhưng đang bị “nghẽn” đầu ra do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hoạch, tiêu thụ và lưu thông hàng hóa của người dân, nhất là sầu riêng tập trung tại các xã Ea Bhốk, Ea Tiêu, Ea Ktur.
Một trang trại gia cầm trên địa bàn xã Ea Hu. |
Ngoài sầu riêng, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng trong tình cảnh nan giải. Anh Ngô Đức Lợi (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk) cho hay, gia đình nuôi 3 lồng cá diêu hồng, với tổng sản lượng khoảng 10 tấn đang trong kỳ thu hoạch. Thế nhưng mới bán được khoảng 3 tấn thì thương lái thông báo dừng mua hàng vì việc di chuyển thu mua sản phẩm gặp khó khăn, việc đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ cũng không thuận lợi. Hiện mỗi ngày anh Lợi phải chi tiêu khoảng 4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá mà chưa biết đến khi nào mới bán được.
ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cư Kuin
|
Còn hộ anh Nguyễn Viết Vĩnh (thôn 4, xã Ea Hu) đang nuôi 6.000 con vịt đẻ, bình quân xuất 4.000 trứng lộn/ngày. Từ khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, rất ít thương lái vào mua. Không những vậy, họ còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để ép giá mua xuống chỉ còn 2.200 – 2.300 đồng/trứng, trong khi giá thành sản xuất của một quả trứng đã là 2.500 đồng. Dù biết bán là lỗ, nhưng trứng vịt lộn không thể bảo quản lâu ngày nên anh cũng đành “bấm bụng” bán hết.
Tập trung gỡ vướng cho nông dân
Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn trong việc thông thương nông sản cho nông dân mà vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID–19, UBND huyện Cư Kuin đã khẩn trương họp bàn các phương án, đồng thời chỉ đạo các xã tạo điều kiện cho phương tiện, lái xe đi, đến, qua các khu vực giãn cách vào thu mua sầu riêng, gia súc, gia cầm cho người dân.
Yêu cầu đặt ra cho lái xe, thương lái là phải cung cấp đủ những thông tin liên quan đến phòng, chống dịch bệnh cho các chốt kiểm soát; khi xe vào, ra khỏi vùng giãn cách phải được phun thuốc khử khuẩn.
goài ra, UBND huyện cũng khuyến khích các xã tạo vùng đệm an toàn trong công tác phòng, chống dịch để người dân trao đổi hàng hóa với thương lái kịp thời, đúng quy định; cử người theo dõi, giám sát phương tiện vận chuyển tiêu thụ nông sản. Xe vào, ra khỏi chốt kiểm soát phải phun thuốc khử trùng, khử khuẩn phương tiện; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho những đối tượng liên quan. Nhờ triển khai thực hiện tốt, một số địa phương đã dần tháo gỡ được khó khăn.
Xe vận chuyển sầu riêng được các chốt chặn trên địa bàn xã Ea Tiêu phun khử khuẩn. |
Đơn cử như xã Ea Tiêu, với 20 ha sầu riêng (chủ yếu trồng xen canh) với sản lượng khoảng 40 - 50 tấn, trong những ngày qua, xã đã kết nối cho thương lái đến địa bàn thu mua sầu riêng của người dân trên cơ sở bảo đảm các quy định phòng dịch theo yêu cầu của huyện đưa ra. Xã yêu cầu các chốt chặn kiểm soát nghiêm ngặt thương lái ra vào địa bàn, đồng thời khử khuẩn kỹ lưỡng các phương tiện thu mua nông sản tại chốt cũng như tại khu vực rẫy của người dân khi thương lái đến thu mua. Xã cũng tạo điều kiện cho các hộ có sản lượng sầu riêng không nhiều có thể chở tập kết tại các chốt chặn để thương lái đến thu mua. Mặc dù, giá bán hiện không cao bằng mọi năm, nhưng sản phẩm sầu riêng của bà con cơ bản được tiêu thụ.
Lồng cá diêu hồng của hộ anh Ngô Đức Lợi (xã Ea Bhốk) hiện vẫn chưa xuất bán được. |
Không chỉ gỡ khó cho đầu ra nông sản, đối với các buôn Jung A, Jung B, Ea Bhốk, UBND huyện còn chỉ đạo ngành chức năng cử cán bộ đến tận nơi hỗ trợ chăm sóc vật nuôi như: trâu, bò, heo, gà. Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã vận động được 1.000 cuộn rơm làm thức ăn cho gia súc, giúp người dân yên tâm chống dịch, nhất là các hộ dân đang thực hiện cách ly tập trung tại cơ sở y tế.
Theo ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, việc thông thương hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, huyện cũng đã nỗ lực tạo điều kiện cho phép thương lái vào địa bàn thu mua khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện phòng dịch theo yêu cầu.
Riêng với các khu vực đã thực hiện phong tỏa thì tuyệt đối không cho phép bất cứ người ngoài nào vào thu gom sầu riêng hoặc một số sản phẩm nông nghiệp khác, cũng như người bên trong mang ra ngoài.
Huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp thiệt hại của người dân trong thời gian thực hiện cách ly, phong tỏa để có chính sách hỗ trợ theo đúng quy định.
Thuận Chuyên
Ý kiến bạn đọc