Multimedia Đọc Báo in

“Gỡ khó” trong xây dựng nông thôn mới

Kỳ 1: Những “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới

11:35, 30/08/2021

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần có biện pháp tháo gỡ để phát triển bền vững…

Kỳ 1: Những “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới 

Xuất phát điểm thấp; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; việc huy động nguồn vốn xã hội hóa chưa cao; tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chưa liên kết bền vững, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) còn hạn chế; cán bộ chuyên trách NTM ở cấp huyện, cấp xã thiếu và thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả… là những “rào cản”, “đụng đâu cũng khó” trong quá trình xây dựng NTM tại các địa phương…

Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hầu hết các xã của tỉnh đều ở xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung toàn quốc.

"Đi chậm"
Qua khảo sát, năm 2011, toàn tỉnh mới đạt 508/2.888 tiêu chí, bằng 17,6%; bình quân đạt 3,34 tiêu chí/xã. Đặc biệt có đến 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 53% số xã toàn tỉnh. Nhiều xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1 - 2 tiêu chí…

ảnh
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày nông sản thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Cư M'gar.

Khởi điểm từ vạch xuất phát lùi xa hơn so với các tỉnh, thành khác nên cũng dễ lý giải cho việc về “chậm chân” trong “cuộc đua” xây dựng NTM. Đó là chưa kể, Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, nhiều khó khăn, vẫn được Trung ương bổ sung kinh phí hằng năm; đời sống người dân còn ở mức thấp, việc huy động vốn để xây dựng NTM rất hạn chế, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là “rào cản” lớn trong thực hiện các tiêu chí NTM ở những địa phương này. Đến nay 5 huyện khó khăn của tỉnh (Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk, M’Drắk) thì mỗi huyện mới chỉ có 1 xã về đích NTM.

Đơn cử như ở huyện Ea Súp, là một trong những huyện khởi đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM có số lượng các tiêu chí NTM đạt thấp của tỉnh, nhất là các xã biên giới như Ya Lốp, Ia Rvê (đạt 3 tiêu chí). Mặc dù sau 10 năm xây dựng NTM, huyện biên giới Ea Súp đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Toàn huyện đạt 113/171 tiêu chí; bình quân đạt 12.56 tiêu chí/xã. Hiện đã có một số xã về đích NTM (xã Ea Bung).

ảnh
Xã biên giới Cư Kbang (huyện Ea Súp) hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Ea Súp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Dù địa phương rất nỗ lực, nhưng các tiêu chí quan trọng như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường, nhà ở dân cư, giáo dục… nhiều xã vẫn chưa đạt được. Trong đó, tiêu chí giao thông, toàn huyện mới có 3/9 xã đạt; đường xã và liên xã nhựa hóa, bê tông xi măng 86,52/311,13 km, đạt 32,52%; đường thôn, buôn nhựa hóa, bê tông 50,24/201,62 km, đạt 29,71%... Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hay ở huyện Buôn Đôn, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện mới đạt 91/133 tiêu chí NTM, bình quân mỗi xã đạt 13 tiêu chí/xã. Riêng Ea Bar được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2020, dù đây là xã điểm NTM của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015. 

 

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay lũy kế toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 43,42%); đạt 2.359/2.888 tiêu chí (81,7%); bình quân toàn tỉnh đạt 15,52 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn NTM vẫn còn thấp hơn so với cả nước và một số tỉnh của vùng Tây Nguyên (cả nước có 63,46% xã đạt chuẩn NTM; vùng Tây nguyên có 52,88% xã đạt chuẩn NTM).

 

Theo Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, bên cạnh xuất phát điểm thấp, những khó khăn, bất cập trong xây dựng NTM còn thể hiện ở khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn. Trong khi một số xã đã chuyển sang giai đoạn xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu thì không ít xã có một số tiêu chí đạt rất thấp.

Nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính truyền thống, đặc trưng; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; kinh phí dành cho phát triển sản xuất còn thấp, chưa đủ lớn để tạo ra đột phá. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa được đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nước sạch… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vệ sinh môi trường một số khu vực nông thôn chưa được quan tâm…

…“Về sau” 
Một trong những nguyên nhân khiến Đắk Lắk “về sau” là do “vướng” quá nhiều tiêu chí khó về xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở thiết chế văn hóa… Trên thực tế, còn khá nhiều xã chưa thể cán đích NTM theo kế hoạch đề ra vì không đủ nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng. 

ảnh
Phát triển cây trồng có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Buôn Đôn.

Xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) là một minh chứng. Xuất phát điểm xây dựng NTM năm 2011 từ 6/19 tiêu chí, với nhiều hạng mục kết cấu hạ tầng trong khu dân cư còn thấp kém. Đây là 1 trong 4 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh trong giai đoạn 2011 – 2015, nhưng mãi đến năm 2020, xã Ea Bar mới chạm được đích NTM.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã cho biết, nguyên nhân khiến xã không cán đích NTM theo đúng kế hoạch là vì quá nhiều tiêu chí khó. Trong đó, tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học… gặp khó khăn do thiếu vốn. Nguồn vốn này nằm ngoài khả năng huy động của địa phương nên phải chờ nguồn vốn của Trung ương.

Tuy nhiên, tiêu chí khiến chính quyền địa phương lo lắng, đau đầu nhất trong hành trình về đích NTM chính là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường từ các lò than thủ công. Trên địa bàn xã có khoảng 60 lò đốt than nằm trong khu dân cư, tập trung ở thôn 6, thôn 7, gây ô nhiễm môi trường nặng. Thế nhưng do đốt than ở đây đã tồn tại từ lâu, trở thành một nghề mưu sinh của người dân nên việc xóa bỏ tình trạng ô nhiễm do đốt than gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy với nhiều khó khăn, nhưng sau 10 năm cố gắng phấn đấu, xã Ea Bar cũng đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đây là xã cán đích NTM đầu tiên của huyện Buôn Đôn, nhưng cũng về đích muộn hơn so với kế hoạch ban đầu đến 5 năm.  

ảnh
Huyện Lắk còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng đường giao thông nội đồng.

Trên thực tế, còn rất nhiều xã chưa thể cán đích NTM theo kế hoạch đề ra vì không đủ nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng. Có thể kể đến như tiêu chí số 2 (giao thông), đường xã, liên xã mới được nhựa hóa và bê tông hóa hơn 70,7%; đường thôn, buôn đạt hơn 61,5%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện đạt hơn 39,2%. Hay một số tiêu chí rất ít xã đạt được như: tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (86 xã), tiêu chí số 10 về thu nhập (87 xã), tiêu chí số 11 về hộ nghèo (84 xã), tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm (95 xã)…

Phân tích về việc “đi chậm - về sau”, ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định: Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại có cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, có thể kể đến như: xuất phát điểm của đa số xã còn thấp, trong khi nguồn lực của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế; giá cả nông sản chủ đạo thiếu ổn định, trong khi tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân, làm cho việc xây dựng NTM có nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiếu bền vững.

Bên cạnh đó, do đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, địa bàn rộng, diện tích xã bình quân của tỉnh là hơn 8.300 ha/xã (bình quân cả nước là 2.970 ha/xã); dân cư ở phân tán, thưa thớt nên việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở nhiều xã khó thực hiện đạt chuẩn do kinh phí đầu tư quá lớn (bình quân 200 tỷ đồng/xã)…

Mặt khác công tác chỉ đạo của một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, có nơi "giậm chân tại chỗ"; năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM nhiều địa phương còn yếu; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương...
 

Lan Anh - Minh Thuận


(Còn nữa)
Kỳ 2: Quyết sách tạo đột phá


Ý kiến bạn đọc