Héo lòng người trồng rau
Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến người trồng rau trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Rau đến kỳ thu hoạch xanh tươi nhưng người trồng héo hắt vì giá xuống thấp, thậm chí không tiêu thụ được.
Tổ hợp tác rau an toàn Đồng Tâm (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) hiện có 17 thành viên, với tổng diện tích khoảng 10 ha, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau, củ các loại theo tiêu chuẩn VietGap.
Trước đây, mỗi đợt thu hoạch, các vườn rau từ sáng sớm đã tất bật người cắt hái, thương lái đến chở đi tiêu thụ. Nhưng hiện tại do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lưu thông khó khăn nên rau tiêu thụ chậm, giá bán vì thế cũng đang giảm mạnh.
Hiện các loại trái như đậu cô ve, bầu, khổ qua, dưa leo thu mua tại vườn giá chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; các loại rau cải, mồng tơi, rau ngót chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, thấp hơn một nửa so với thời điểm trước đây. Rau giảm giá mạnh vẫn không tiêu thụ được nên dù tiếc của, tiếc công nhiều hộ cũng đành chấp nhận nhổ bỏ hoặc tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Buôn Đôn tìm hiểu việc sản xuất ở Tổ hợp tác rau an toàn Đồng Tâm. |
Bà Trần Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar cho biết: “Với tổng diện tích trồng rau, củ quả toàn xã gần 180 ha, sản xuất rau màu đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ nông dân nơi đây. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, thị trường tiêu thụ hạn chế khiến bà con đối mặt không ít khó khăn. Hội Nông dân xã đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc thông qua mạng xã hội vận động, kêu gọi hội viên nông dân và người dân tiêu thụ rau củ của địa phương, giúp các nông hộ xuất bán kịp thời lượng rau đã đến kỳ thu hoạch đang bị tồn đọng”.
Nông dân xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch rau. |
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, kéo dài, chúng tôi rất mong các cấp, ngành có thể đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, tạo điều kiện trong lưu thông và tiêu thụ các loại nông sản, giúp các nông hộ vượt qua khó khăn”. Ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ nhiệm Tổ hợp tác rau an toàn Đồng Tâm
|
Là một trong những vùng có diện tích rau an toàn lớn nhất khu vực TP. Buôn Ma Thuột, xã Hòa Khánh có gần 50% hộ dân trên địa bàn trồng rau. Các hộ hiện cũng đang rất lo lắng vì rau khó tiêu thụ. Chị Lê Thị Thu Nga, một hộ trồng rau tại xã tâm sự: “Gia đình tôi trồng hơn 5 sào rau các loại. Những năm trước, thời điểm này tôi trồng nhiều loại rau, đặc biệt là những giống rau ngắn ngày, vừa dễ tiêu thụ lại được giá. Năm nay, do phải giãn cách phòng, chống dịch bệnh nên khó tiêu thụ, giá rau giảm chỉ còn 1.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí còn không bán được. Mọi năm, mỗi lứa rau xuất bán, tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng, năm nay chỉ thu được 2 - 3 triệu đồng”.
Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ trồng rau cũng đang gặp khó khăn tương tự. Thực tế thì nhu cầu rau trên thị trường đang tăng cao nhưng do việc vận chuyển gặp khó, giá vận chuyển tăng, rau đưa được đến nơi có khi đã héo úa, dập úng nên các tiểu thương từ chối nhận; nhiều thương lái cũng tạm ngừng thu mua vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh.
Mặt khác, từ trước đến nay, nhiều nông hộ chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích canh tác, tăng số lượng chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, khi địa phương có dịch bệnh, các chợ truyền thống buộc ngừng hoạt động thì các sản phẩm rau củ canh tác theo phương thức truyền thống bị mất giá, không còn thị trường tiêu thụ do không thể cạnh tranh, thâm nhập vào các chuỗi kênh phân phối khác như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn…
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc