Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Những năm qua, huyện Krông Bông đã khuyến khích và hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành những mô hình mới nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế gia đình.
Hiệu quả từ những mô hình
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, UBND huyện đã tham mưu Huyện ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và giao Phòng NN-PTNT huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn, xây dựng phương án, tổ chức thẩm định và đề xuất Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai 9 mô hình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại 11 xã, với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã tích cực tham gia chuyển đổi sản xuất, áp dụng các loại giống mới cho giá trị, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi bò nhốt thâm canh ở xã Khuê Ngọc Điền. |
- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban.
|
Một trong những người dân đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện là ông Lê Văn Thụ (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền). Trước đây, gia đình ông Thụ chỉ nuôi bò cỏ theo hình thức chăn thả. Năm 2014, ông đã chuyển qua nuôi giống bò lai và áp dụng kỹ thuật như ủ cỏ chua, làm chuồng trại nơi thoáng mát… Nhờ đó, đàn bò của ông phát triển tốt, cho lãi trung bình mỗi tháng hơn 1 triệu đồng/con. Hiện nay ông đã phát triển đàn bò lên 10 con, thu nhập từ đó cũng tăng lên đáng kể.
Hay như ông Bùi Trọng Quát (thôn 10, xã Hòa Sơn) quyết định chuyển đổi 2 ha trồng sắn kém hiệu quả sang trồng 400 cây vải thiều từ tháng 10-2016. Chỉ sau hai năm rưỡi trồng và chăm sóc, vườn vải thiều của gia đình ông đã cho thu hoạch. Ước tính mỗi vụ gia đình ông Quát thu được trên 10 tấn quả/ha, sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng 150 triệu đồng/ha.
Cần những giải pháp căn cơ
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, mặc dù tình hình phát triển nông nghiệp nói chung và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nói riêng trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn.
Trong đó, phương án chuyển đổi cây trồng phải phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, mùa vụ; trình tự xây dựng, đề xuất phương án, xin chủ trương, thẩm định phê duyệt kéo dài; quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; việc ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế… Đặc biệt, đầu ra cho các sản phẩm của người dân sản xuất còn bấp bênh, giá cả thất thường.
Bà Trần Thị Len, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Dứa Cư Drăm (xã Cư Drăm) cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 714 ha dứa, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Cư Drăm với 546 ha. Hiện nay hợp tác xã mới chỉ liên kết với các thương lái để thu mua dứa cho người dân chứ chưa có nhà máy chế biến, sản xuất các sản phẩm từ dứa nên việc tiêu thụ nhiều khi gặp khó khăn do sản lượng dứa quá nhiều.
Mô hình trồng vải thiều của gia đình ông Bùi Trọng Quát (bên phải) ở thôn 10, xã Hòa Sơn. |
Từ thực tế trên cho thấy, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao hơn, bên cạnh nhân rộng và thực hiện các mô hình hiệu quả; vận động liên kết, xây dựng vùng sản xuất tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất, thâm canh… thì việc hỗ trợ trong kết nối thị trường và chế biến sâu là giải pháp thiết thực nhất mà các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc