Hợp tác xã chăn nuôi loay hoay tìm “đầu ra”
Hợp tác xã bồ câu thảo dược Xuân Tiến (thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắc) chính thức được thành lập tháng 1-2020 với 7 thành viên, vốn điều lệ 4 tỷ đồng; có 3 trại nuôi chim bồ câu thảo dược với số lượng 10.000 con giống, trung bình mỗi tháng xuất bán 3.000 con chim thịt, trừ chi phí thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Nhưng đó là câu chuyện trước khi xảy ra đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. Còn hiện nay, các thành viên của Hợp tác xã đang loay hoay tìm cách tiêu thụ cho sản phẩm.
Gia đình anh Phạm Hữu Trúc - thành viên của Hợp tác xã - hiện đang nuôi 4.000 chim bồ câu giống, trung bình mỗi tháng xuất bán khoảng 1.000 chim thịt tại thị trường TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh với giá trung bình 60.000 đồng/con. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp nên sản phẩm chỉ tiêu thụ được khoảng 1/3 so với trước.
Anh Trúc lo lắng: “Hiện nay, hàng không thể vào được TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, lên TP. Buôn Ma Thuột hay sang tỉnh Đắk Nông cũng đều khó khăn. Chi phí vận chuyển tăng, thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán chim thương phẩm lại giảm từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/con, người chăn nuôi thua lỗ”.
Ông Phạm Xuân Tiến, Giám đốc Hợp tác xã bồ câu thảo dược Xuân Tiến (xã Ea Kuang, huyện Krông Pắc) kiểm tra trại chăn nuôi của các thành viên. |
Các thành viên của Hợp tác xã bồ câu thảo dược Xuân Tiến đều đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Để được công nhận sản phẩm chim bồ câu thảo dược, Hợp tác xã đã tự pha trộn thức ăn cho chim, đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho kết quả không có kháng sinh và có hàm lượng Protein cao hơn 6% so với sản phẩm trên thị trường. Hơn nữa, sản phẩm của Hợp tác xã đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu “bồ câu thảo dược” từ tháng 4-2021, có mã QR, đạt chứng nhận ISO 9001:2015 và được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trại chăn nuôi của anh Phạm Hữu Trúc, thành viên Hợp tác xã bồ câu thảo dược Xuân Tiến (xã Ea Kuang, huyện Krông Pắc). |
Để duy trì hoạt động, hợp tác xã rất mong muốn được vay vốn ưu đãi mua thức ăn chăn nuôi nhằm giữ đàn chim giống; hỗ trợ đưa sản phẩm vào các siêu thị. Nếu tình trạng này kéo dài thêm khoảng 3 tháng nữa, chúng tôi phải tính đến việc giải thể hợp tác xã”.
Ông Phạm Xuân Tiến, Giám đốc Hợp tác xã bồ câu thảo dược Xuân Tiến
|
Mặc dù đầy đủ giấy tờ chứng minh sản phẩm sạch, an toàn nhưng hiện nay, Hợp tác xã vẫn không thể tìm được đường vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở trung tâm huyện Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột. Ông Phạm Xuân Tiến, Giám đốc Hợp tác xã giãi bày: Để tìm đầu ra ổn định, Hợp tác xã đã đưa sản phẩm đi chào hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại nhưng hiện mới chỉ có Siêu thị Thành Phát (TP. Buôn Ma Thuột) ký hợp đồng tiêu thụ 300 con/tháng, số lượng này mới chỉ như “muối bỏ biển”. Các siêu thị khác trả lời chỉ nhận hàng đông lạnh. Trong khi đó, muốn làm hàng đông lạnh thì phải đầu tư máy cấp đông với chi phí khoảng 100 triệu đồng, vượt quá khả năng của Hợp tác xã.
Không chỉ vậy, việc vận chuyển hàng hóa của Hợp tác xã đi các thị trường ngoài tỉnh cũng đang gặp khó. Theo ông Tiến, hiện nay các tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16, muốn chuyển hàng xuống TP. Hồ Chí Minh phải qua 4 trạm trung chuyển, chi phí vận chuyển đội lên gấp 7 lần (từ 1.000 đồng lên 7.000 đồng/con), trong khi chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm. Chuyển sản phẩm đi tiêu thụ không được, hợp tác xã đành bán nhỏ lẻ cho các chợ và người dân quanh vùng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc