Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Gia tăng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

08:12, 30/09/2021

Thời gian qua, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò trên địa bàn huyện Cư M’gar tiếp tục diễn biến phức tạp tại các địa phương, số lượng gia súc mắc bệnh chết ngày càng tăng khiến người nông dân bị thiệt hại nặng về kinh tế.

Tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) là một trong những khu dân cư mới bùng phát dịch VDNC trên trâu, bò. Thời điểm khi mới phát hiện dịch chỉ có 1 hộ chăn nuôi, với 1 con bò bị mắc bệnh nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng đã có 4 con bò mắc bệnh, trong đó có 3 con bị mắc bệnh nặng và buộc phải tiêu hủy. Gia đình bà Hoàng Thị Chấn có số lượng gia súc mắc bệnh nhiều nhất ở địa phương với 3 trong số 4 con bò bị mắc bệnh VDNC và buộc phải tiêu hủy. Hiện bà Chấn cũng không rõ đàn bò mắc bệnh từ đâu.

Bà than thở: “Bò bị mắc bệnh VDNC chết rất nhanh, gia đình tôi đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng cũng không cứu được. Đầu tiên là con bò mẹ chết, tiếp đó 3 ngày sau là đến những bò con. Bò chết gần hết, gia đình tôi thiệt hại lớn quá”.

Dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò gây thiệt hại nặng cho nông dân huyện Cư M’gar.

Hiện nay, huyện Cư M’gar có khoảng trên 16.000 con trâu, bò, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, hộ chăn nuôi gia đình chiếm tỷ lệ cao. Bệnh VDNC bắt đầu xuất hiện trên địa bàn từ ngày 21-6-2021 tại thị trấn Ea Pốk, hiện đã lây lan ra nhiều nơi khác trong huyện. Tính đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại 41 thôn, buôn, tổ dân phố của 14 xã, thị trấn với 85 con bò, bê bị mắc bệnh, trong đó có 56 con bị mắc bệnh nặng và buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 8.000 kg. Dịch VDNC bùng phát mạnh ở các xã như: Quảng Hiệp, Ea Drơng, Ea Kpam, Ea Tul, Cư Dliê M’nông…

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Theo đó, ngành thú y huyện đã phối hợp với các địa phương phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực ổ dịch và các hộ chăn nuôi lân cận; vận động người dân hạn chế ra, vào khu vực có dịch; tăng cường theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các ổ dịch, tránh để dịch bệnh phát tán và lây lan ra diện rộng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò của gia đình mình…

Trưởng buôn Bling (bên phải), xã Ea Kpam tuyên truyền người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò.

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar, mặc dù được ngành thú y huyện, chính quyền các địa phương khuyến cáo, tuyên truyền nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn chưa lường hết được sự nguy hiểm của bệnh VDNC trên trâu, bò. Tình trạng chăn nuôi trâu, bò theo hình thức thả rông vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chuồng nuôi nhốt trâu, bò của nhiều hộ dân cũng chưa đảm bảo vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Đặc biệt, nhiều hộ dân chưa quan tâm đến việc tiêm vắc xin cho trâu, bò... Đây là những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, diễn biến phức tạp.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.