Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar khẩn trương khơi thông đầu ra cho sầu riêng

08:24, 10/09/2021

Mấy năm gần đây, cây sầu riêng được trồng nhiều và kỳ vọng là cây làm giàu cho nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar.

Tổng diện tích trồng sầu riêng quy thuần của huyện là 3.200 ha, diện tích cho thu hoạch hơn 500 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Tar, Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú… Vụ năm nay, sản lượng ước tính đạt gần 4.300 tấn, bao gồm các loại sầu riêng hạt, chín hóa, Ri 6, Dona, Monthong.

Theo tìm hiểu, sầu riêng trên địa bàn huyện Cư M’gar tiêu thụ chủ yếu qua thương lái tự do. Các năm trước, sầu riêng thường được thương lái mua trọn vườn, giá cao vào đầu vụ, ổn định ở chính vụ, rồi giảm dần ở cuối vụ. Thế nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên hầu như không có thương lái đi đặt cọc, giá sầu riêng giảm đột ngột ngay từ đầu vụ thu hoạch khiến bà con thêm phần khó khăn.

Nông dân Nguyễn Văn Linh (buôn Kiêng, xã Ea Tar) thu hoạch sầu riêng.

Trước tình trạng trên, chính quyền huyện Cư M’gar đang tích cực tìm các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho loại nông sản này.

Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, huyện nỗ lực kêu gọi, kết nối cung - cầu thị trường, thực hiện các giải pháp để nông sản được tiêu thụ thuận lợi, thông suốt kết hợp với bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19. Trước mắt, tổ chức liên kết với các đơn vị thu mua nông sản ngoài tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ, không để tắc nghẽn hàng hóa.

Cùng với đó, tạo mọi điều kiện về việc lưu thông đi lại, bảo đảm an toàn phòng dịch cho các đơn vị đến địa phương thu mua nông sản. Địa phương cũng hỗ trợ thực hiện test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho nhân công thu hoạch của doanh nghiệp thu mua tại các vườn cây của nông dân cứ 3 ngày/lần.

Tại các vùng trồng sầu riêng trọng điểm, chính quyền xã cử cơ quan chuyên môn phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ thu hái sầu riêng trong dân, bảo đảm an toàn phòng bệnh. Mặt khác, rà soát, nắm tình hình nguồn nguyên liệu, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch tại địa phương, có kế hoạch để sẵn sàng kết nối khi có đầu mối tiêu thụ.

Trong nỗ lực tìm đầu ra cho loại nông sản này, hiện đã có doanh nghiệp đầu mối thu mua nông sản là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) kết nối tiêu thụ sầu riêng ở địa phương. Doanh nghiệp này sẽ tiêu thụ khoảng 2.500 - 3.000 tấn sầu riêng của nông dân trong huyện.

Chính quyền, cơ quan chuyên môn xã Ea Tar xuống tận vườn nắm tình hình, hỗ trợ bà con trong việc thu hái, tiêu thụ sầu riêng.

Tại xã Ea Tar, vùng trọng điểm trồng sầu riêng của huyện, 10 ngày nay nông dân trong xã đang gấp rút đẩy nhanh việc thu hoạch, mỗi ngày có từ 300 - 500 tấn sầu riêng được doanh nghiệp đến tận vườn để mua. Những hộ có sầu riêng được hỗ trợ cấp giấy đi đường để thuận lợi trong việc thu hoạch. Hiện có khoảng gần 80% sản lượng sầu riêng của nông dân trên địa bàn đã được kết nối tiêu thụ thành công.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar, về lâu dài, để có đầu ra ổn định và nâng cao giá trị quả sầu riêng, ngành sẽ chủ động nắm bắt và dự báo nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp, trong đó chú trọng đến vấn đề làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của địa phương, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của nông dân, phát triển chuỗi liên kết để ổn định đầu ra...

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar đến thời điểm này, trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 3.000 tấn sầu riêng, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn huyện. Dự kiến, đến tháng 10 địa phương hoàn thành việc thu hoạch loại nông sản này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.