Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui cầu mới bắc qua sông

06:43, 09/09/2021

Sau hơn hai năm xây dựng, đến nay cây cầu Bầu Gai – Ea Chai tại thôn 6, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, xóa đi nỗi lo cầu phao trước đây và góp phần thay đổi diện mạo vùng chuyên canh trồng lúa vốn được xem là “ốc đảo” mỗi khi mùa mưa đến.

Từ năm 2016 trở về trước (khi cầu treo Ea Chai chưa hoàn thành), để đến được thôn 6, xã Bình Hòa, người dân nơi đây có hai hướng đi, một là đi đò ngang ở vị trí cầu treo hiện tại hoặc đi theo cầu phao. Trong đó, cầu phao được ghép bởi nhiều ván gỗ tạp, chằng với nhau bằng dây thép và gác lên những chiếc thuyền nhỏ làm phao để cây cầu nổi trên mặt nước. Mặt cầu chỉ rộng hơn một mét, mỗi lần đi qua rung lắc rất khó đi. Không biết bao nhiêu người dân đã bị ngã xuống sông khi lưu thông qua cây cầu phao này. Đi lại khó khăn, nguy hiểm đã đành, vào mùa mưa, cầu phao không sử dụng được, buộc người dân phải di chuyển bằng phà và chịu trả một khoản chi phí không nhỏ. Theo đó, để qua sông, mỗi lần người và xe máy qua phà mất 10.000 đồng/lượt, xe máy cày 70.000 đồng/lượt.

Người dân lưu thông qua cầu Bầu Gai - Ea Chai mới hoàn thành.

Xác định việc xây dựng một công trình cầu kiên cố ở vị trí cầu phao trên địa bàn thôn 6 là nhu cầu bức thiết, vừa bảo đảm mục tiêu đi lại, giao thương, vừa góp phần thay đổi diện mạo khu vực dân cư nói trên, đầu năm 2019, Dự án cầu bê tông Bầu Gai – Ea Chai chính thức được khởi công xây dựng. Công trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).

Sau hơn hai năm xây dựng, đến giữa năm 2021, cầu chính thức hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Công trình có tổng chiều dài 96 m, gồm 4 nhịp, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu Bầu Gai – Ea Chai hoàn thành giúp việc đi lại, vận chuyển phân bón, nông sản của bà con xã Bình Hòa dễ dàng, thuận tiện. Nhờ vậy, tạo kết nối, giao thương giữa người dân trong thôn với khu vực trung tâm xã Bình Hòa và trung tâm huyện Krông Ana.

Anh Lê Văn Đào, người gắn bó với thôn 6 từ khoảng 30 năm về trước cho biết, nhà anh có 3 ha lúa, mỗi lần mua phân bón từ ngoài huyện, vận chuyển qua cầu là mỗi lần lo sợ. Chỉ khi nào hàng hóa và người qua sông an toàn thì anh mới thở phào nhẹ nhõm. Khổ nhất là vào mùa thu hoạch lúa, đường sá cách trở nên thường bị thương lái ép giá. Để đưa lúa ra khỏi vùng cô lập, người dân phải chấp nhận mất một khoản chi phí khá lớn để thuê phà vận chuyển. Nay có cầu mới, anh và các hộ dân trong thôn không phải thấp thỏm lo âu mỗi lần qua sông, không chỉ đi lại thuận tiện mà hàng hóa cũng lưu thông dễ dàng, thương lái tìm đến tận ruộng thu mua nông sản. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của người dân trong thôn được nâng cao hơn nhiều so với trước.

Cầu Bầu Gai - Ea Chai hoàn thành đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương và khu vực lân cận.

Cùng chung niềm vui có cầu mới, bà Lê Thị Hường, người dân ở thôn 6, xã Bình Hòa tâm sự, bà vào đây từ hơn 30 năm trước, bản thân từng chứng kiến hàng chục cơn lũ tiểu mãn ập đến cánh đồng lúa và khu dân cư thôn 6. Những năm mưa kéo dài, có khi hơn 10 ngày đến nửa tháng, người dân trong thôn không ra được với bên ngoài. Nay cầu bê tông Bầu Gai – Ea Chai hoàn thành, tất cả người dân trong thôn ai cũng phấn khởi. Hy vọng, cùng với cầu treo Ea Chai, cây cầu này sẽ hứa hẹn làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở thôn 6 trong những năm tới.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho biết, công trình cầu Bầu Gai – Ea Chai thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (gọi tắt là LRAMP). Đây là một trong 17 công trình thuộc Dự án thành phần 7 của Dự án LRAMP được triển khai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018 – 2021. Công trình này hoàn thành góp phần phục vụ đi lại, sản xuất của gần 200 hộ dân sinh sống tại thôn 6, với cánh đồng lúa nước 2 vụ khoảng 1.600 ha.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.