Thị trường bánh trung thu: Khởi động muộn, sức mua dự đoán giảm mạnh
Dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường bánh trung thu trên địa bàn tỉnh năm nay khởi động muộn và không phong phú như mọi năm. Khác với cảnh nhộn nhịp của mấy năm trước, thời điểm này, bánh trung thu chỉ được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tạp hóa với số lượng không nhiều.
Chỉ còn chưa đến 15 ngày nữa là đến Tết Trung thu, nhưng do địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nên TP. Buôn Ma Thuột vắng bóng những gian hàng bán bánh trung thu trên các tuyến đường chính như mọi năm. Thay vào đó, bánh được bày bán tại các siêu thị, một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tạp hóa và hình thức bán hàng online đang được đẩy mạnh.
Thị trường bánh trung thu năm nay khởi động muộn hơn hẳn. Phải đến sát đầu tháng 8 âm lịch, các hộ kinh doanh mới nhập hàng về bán. Chị Tô Thị Thơm, chủ quầy tạp hóa Thơm (số 15 Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, do dịch bệnh COVID-19 cộng với việc hạn chế người dân ra đường nên chị không dám nhập nhiều hàng về. Mãi đến cuối tháng 7 âm lịch chị mới cân nhắc và nhập bánh về bán, số lượng cũng chỉ bằng 20% so với năm ngoái.
Người tiêu dùng chọn mua bánh trung thu của địa phương do Công ty TNHH Bánh mì Hà Nội (TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất. |
Theo ghi nhận, thị trường bánh trung thu năm nay không phong phú như mọi năm. Các dòng bánh chính vẫn là bánh nướng truyền thống, bánh dẻo với các hương vị như bánh trứng lá dứa, hạt sen, đậu xanh, khoai môn, heo quay, vi cá jambon, gà quay jambon, mè đen hạt dưa, nhân mềm, thập cẩm, hạnh nhân… Riêng các dòng bánh cao cấp, có bao bì, mẫu mã hộp bánh được thiết kế sang trọng, thích hợp làm quà biếu, giá trên 1,5 triệu đồng/hộp hầu như rất ít.
Tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, khoảng một tuần trở lại đây, bánh trung thu mới được bày bán muộn hơn hẳn so với mọi năm. Ông Phạm Xuân Sang, Giám đốc siêu thị cho hay, dự đoán sức mua trên địa bàn không cao nên số lượng nhập về cũng chỉ bằng 30% so với năm trước. Hiện lượng khách hỏi mua khá ít, chủ yếu là khách lẻ. Siêu thị đang đẩy mạnh giới thiệu, bán qua các kênh online, trang Facebook, Zalo bán hàng của siêu thị.
Bên cạnh bánh của các thương hiệu lớn thì bánh trung thu truyền thống “made in Đắk Lắk” hiện đã xuất hiện trên thị trường. Ông Trương Bá Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Bánh mì Hà Nội (số 123 - 125 Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, bánh được sản xuất tại địa phương, tươi mới, không có chất bảo quản nên thường sẽ ra thị trường muộn hơn. Năm nay phải sang đầu tháng 8 âm lịch thì cơ sở mới sản xuất và chào bán bánh. Nhìn vào thị trường thời điểm này, ông Lộc dự kiến sức mua sẽ sụt giảm nhiều. Do đó, năm nay, cơ sở của ông sẽ vừa sản xuất, vừa theo dõi tình hình thị trường, bánh hết đến đâu mới làm ra bán đến đó.
Còn tại cơ sở chế biến thực phẩm và sản xuất bánh mì Thành Phát (số 80 Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột) mọi năm sản xuất khoảng 15.000 chiếc bánh trung thu thì năm nay dự định chỉ sản xuất 2.000 chiếc phục vụ thị trường. Bà Vũ Thị Gấm, chủ cơ sở cho biết, nguồn cung ứng nguyên liệu làm bánh bị khan hiếm cộng với dự đoán sức mua không cao nên cơ sở không sản xuất nhiều như những năm trước.
Bánh trung thu được ưu tiên bày bán trên các kệ hàng có vị trí đẹp mắt tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột. |
Về giá cả, theo khảo sát, giá các loại bánh trung thu năm nay có tăng 5 - 10%/chiếc, tùy loại. Riêng bánh ở địa phương do các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung vào dòng sản phẩm bình dân và thường có giá khá “mềm”, chỉ từ khoảng 35.000 - 70.000/ chiếc, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc so với mọi năm. Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Trương Bá Lộc cho hay, bánh phục vụ mùa Tết Trung thu năm nay chất lượng không đổi, nhưng giá có tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào tăng, lại gặp khó khăn trong vấn đề nguồn cung, vận chuyển, song sẽ không tăng quá 10%.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc