Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp: Đã thực sự hiệu quả? (kỳ 1)

07:36, 04/10/2021

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Kỳ 1: Tín hiệu tích cực trong phát triển khu, cụm công nghiệp

Thời gian qua, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN) trên địa bàn thu hút nhiều dự án, tạo tín hiệu tích cực đối với sản xuất công nghiệp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hình thành hệ thống các KCN-CCN

Theo quy hoạch tổng thể phát triển các KCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, toàn tỉnh có 2 KCN, với tổng diện tích quy hoạch là hơn 657 ha (KCN Hòa Phú 181 ha, mở rộng thêm 150 ha và KCN Phú Xuân 325,6 ha).

Còn theo Quy hoạch phát triển các CCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 587/QĐ-UBND, ngày 14-3-2017 thì trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 có 15 CCN, với tổng diện tích hơn 551 ha; giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm 9 CCN, với tổng diện tích hơn 662 ha. Trong năm 2021, bổ sung quy hoạch thêm CCN Hòa Sơn (huyện Krông Bông), với diện tích hơn 16,6 ha.

Một góc khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 12 CCN, bao gồm: CCN Ea Đar (huyện Ea Kar), M’Drắk (huyện M’Drắk), Ea Ral (huyện Ea H’leo), Quảng Phú (huyện Cư M’gar), Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), Ea Lê (huyện Ea Súp), Ea Dăh (huyện Krông Năng), Hòa Sơn (huyện Krông Bông), Cư Kuin (huyện Cư Kuin), Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) và 2 CCN Tân An 1 và Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột). Còn lại 3 CCN là: Krông Búk 1 (huyện Krông Búk), Buôn Chăm (huyện Krông Ana) và Phước An (Krông Pắc) chưa thành lập.

Tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cho 14 CCN, với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 692 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 466 ha (Tân An 1, Tân An 2, Ea Ral, Ea Lê, Ea Đar, Krông Búk 1, M'Drắk, Cư Kuin, Ea Nuôl, Cư Bao, Phước An, Ea Dăh, Buôn Chăm, Quảng Phú). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 KCN và 8 CCN đang hoạt động.

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN-CCN. Công tác quy hoạch, phát triển các KCN-CCN nhằm phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được các cấp chính quyền quan tâm.

Minh chứng là mỗi địa phương đều quy hoạch ít nhất 1 CCN và hầu hết các KCN-CCN đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng của các KCN-CCN; ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với các KCN-CCN... nhằm tạo hành lang pháp lý trong quản lý, đầu tư, phát triển các KCN-CCN. Nhờ đó, hệ thống các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh từng bước được hình thành.

Một doanh nghiệp sản xuất cà phê hoạt động trong Cụm công nghiệp Tân An.

Thu hút nhiều dự án

Việc hình thành và phát triển các KCN-CCN đã tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Sự phát triển của các KCN-CCN đóng góp đáng kể vào sự phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp. Tạo môi trường cho chuyển giao công nghệ một cách nhanh chóng; sản xuất nhiều hàng hoá tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh”.

 
ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công thương

Trong 9 KCN-CCN đang hoạt động thì KCN Hòa Phú hiện có 53 dự án đăng ký và đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 4.599 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 100%, trong đó có 38 dự án đang hoạt động.

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN Hòa Phú đạt 6.000 tỷ đồng, thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước là 264 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến tháng 8-2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do tác động của dịch COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN Hòa Phú vẫn ước đạt 4.241 tỷ đồng, thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước ước đạt 168 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN Hòa Phú giai đoạn 2007 - 2020 ước đạt trên 37.134 tỷ đồng, tổng doanh thu ước đạt 32.841 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2007 - 2020 là 1.383 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, mặc dù chỉ có 1 KCN đang hoạt động, nhưng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với 8 CCN đang hoạt động, hiện nay đã có 157 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư, với tổng diện tích đất hơn 252 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê hơn 226 ha, tỷ lệ lấp đầy là 76% diện tích, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng. Hằng năm, doanh nghiệp trong các CCN đóng ngân sách cho địa phương khoảng 120 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Phú.

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hệ thống các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó có một số dự án lớn, công nghệ cao được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy thép Đông Nam Á, Nhà máy chế biến cà phê bột Trung Nguyên, Nhà máy cà phê Ngon, Cà phê hòa tan An Thái… đã làm cho tỷ lệ lấp đầy các KCN-CCN ngày càng tăng.

Những doanh nghiệp trong các KCN-CCN đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách địa phương; đáp ứng yêu cầu về sử dụng tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh.

                             (Còn nữa)

Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn và bất cập

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.