Multimedia Đọc Báo in

Huyện vùng biên tìm hướng đi mới trong chăn nuôi

08:25, 08/10/2021

Huyện Ea Súp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Tấn Tuấn (thôn 5) là một trong những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn nhất tại xã Cư Mlan.

Với diện tích 1,8 ha, trang trại của anh hiện có 1.600 con vịt đẻ trứng, 5.000 vịt thịt, 12 con trâu, bò và 4 sào ao thả cá. Trang trại được hình thành từ nhiều năm nay, nhưng đến nay anh vẫn chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, kỹ thuật chăm sóc chủ yếu dựa theo kinh nghiệm nên không tránh được rủi ro.

Bên cạnh đó, giao thông cách trở và không có đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm khiến thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm làm ra có giá bán thấp hơn nơi khác do phải chịu thêm chi phí vận chuyển. Theo anh Tuấn, đây cũng là tình trạng chung của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện, bởi đa phần đều có quy mô nhỏ, không có vốn đầu tư và thiếu các doanh nghiệp liên kết với người dân để chăn nuôi gia công theo quy trình công nghiệp.

Lợi nhuận từ việc tiêu thụ trứng vịt của gia đình anh Nguyễn Tấn Tuấn bị ảnh hưởng do phải chịu thêm chi phí vận chuyển.

Huyện Ea Súp có diện tích tự nhiên 176.531 ha, trong đó có 148.542 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 84% tổng diện tích). Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng trang trại. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, huyện Ea Súp hiện có tổng đàn gia súc khoảng 60.000 con, đàn gia cầm 350.000 con. Toàn huyện hiện có 38 trang trại chăn nuôi, tổng số vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng.

 

Theo kế hoạch của UBND huyện Ea Súp, từ nay đến năm 2025, địa phương sẽ từng bước đưa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào vùng quy hoạch chăn nuôi; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm.

Chất lượng đàn gia súc, gia cầm chưa cao, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình để tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp. Do đó, khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi còn yếu; công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; mạng lưới thú y cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi. Bên cạnh đó, một số chủ trang trại và một số hộ chăn nuôi chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương, huyện Ea Súp xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, coi chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, địa phương phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 20 - 25%, đàn heo đạt khoảng 100.000 - 150.000 con, đàn trâu 10.000 - 12.000 con, đàn bò 26.000 - 28.000 con, đàn gia cầm khoảng 400.000 - 450.000 con.

Mô hình chăn nuôi bò gia trại của một hộ dân xã Ia Rvê, huyện Ea Súp.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp Nguyễn Bá Bân cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển trang trại chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp để xây dựng các vùng sản xuất an toàn, bảo đảm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường; khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm trên địa bàn để tận dụng, phát huy nguồn nguyên liệu sẵn có phục vụ chăn nuôi.

Cùng với đó, huyện sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ việc thu gom, sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong trồng trọt để làm thức ăn chăn nuôi và làm nguyên liệu sản xuất đệm lót sinh học, cung cấp cho hộ chăn nuôi sử dụng trong xử lý môi trường; sau đó, thu gom, xử lý để sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Theo Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn, trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, không để doanh nghiệp, nhà đầu tư đi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án.

Mới đây, huyện cũng đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép lập thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư cần thực hiện song song với hoàn thiện đề án sử dụng đất, nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án chăn nuôi heo công nghệ cao.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.