Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ “món quà quê hương”

09:11, 22/10/2021

Thiên nhiên ưu đãi cho Tây Nguyên có được những sản phẩm trái cây rất đa dạng như sầu riêng, bơ, mãng cầu… được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng, người nông dân thường xuyên phải đứng trước cảnh "được mùa mất giá", bán nông sản với giá rẻ.

Thấy vậy, vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Hiền (tổ dân phố 11, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) nảy ra ý tưởng sẽ sơ chế, chế biến sâu nông sản giúp nâng cao giá trị.

Từ ý tưởng đó, vợ chồng chị Hiền triển khai liên kết vùng nguyên liệu, tìm kiếm thị trường đầu ra. Chị Hiền cho hay, mãng cầu được nhiều khách hàng tìm mua, nhưng người dân lại chủ yếu trồng để làm hàng rào bao quanh rẫy chứ không sử dụng để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực huyện Krông Pắc có lợi thế trồng nhiều sầu riêng. Vì vậy, chị Hiền quyết định tập trung phát triển hai sản phẩm chủ lực là mãng cầu và sầu riêng. Năm 2014, gia đình chị Hiền thành lập Công ty TNHH Thương mại Gia Nguyễn và bắt đầu hoạt động chuyên sơ chế, cấp đông các sản phẩm nông sản vào năm 2015.

Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, ngoài thu mua nông sản của người dân tại địa phương, vợ chồng chị còn mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi không mang lại hiệu quả, chuyển sang trồng hơn 2.000 gốc mãng cầu trên diện tích 4 ha và 1 ha sầu riêng để bảo đảm vùng nguyên liệu.

Quá trình sơ chế mãng cầu tại cơ sở chế biến nông sản của gia đình chị Huỳnh Ngọc Hiền
 

Năm 2017, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Gia Nguyễn đạt chứng nhận HALAL (giấy thông hành cho thị trường hồi giáo). Năm 2018, công ty xây dựng được nhà xưởng sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP, ISO22000.

Nhằm đưa nhiều loại nông sản trên địa bàn tới tay người tiêu dùng hơn nữa, hiện nay, bên cạnh hai sản phẩm chính là sầu riêng, mãng cầu, chị Hiền còn thu mua, sơ chế chanh dây, thanh long ruột đỏ, bơ…

Không chỉ tập trung sơ chế, cấp đông sản phẩm nông sản, chị Hiền còn cung cấp các loại trái cây tươi; phát triển thêm các sản phẩm đã qua chế biến như mứt mãng cầu, sầu riêng sấy…

Đặc biệt, năm 2020, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, chị Hiền cho ra sản phẩm trà mãng cầu, được sao theo dạng thuốc. Tuy ra mắt vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng sản phẩm trà mãng cầu Thiện Tâm vẫn được nhiều khách hàng quan tâm, đặt mua.

Đến nay, trung bình mỗi năm Công ty TNHH Thương mại Gia Nguyễn cung cấp hơn 200 tấn nguyên liệu đầu vào cho các công ty ở các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Singapore, Malaysia…

Sau 6 năm khởi nghiệp, hiện nay vợ chồng chị Hiền đang sở hữu một cơ sở chế biến nông sản khá lớn tại buôn Jung (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc). Cơ sở chế biến nông sản này tạo việc làm cho 30 – 50 lao động thường xuyên (lúc cao điểm 100 lao động) chủ yếu là thanh niên địa phương, thanh niên dân tộc thiểu số với mức thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/tháng trở lên.

Chị Huỳnh Ngọc Hiền giới thiệu sản phẩm cho thanh niên địa phương

Chị Huỳnh Ngọc Hiền chia sẻ thêm: “80% lao động tại cơ sở chế biến nông sản của vợ chồng tôi là thanh niên dân tộc thiểu số tại chỗ. Tôi không chỉ muốn thương mại hóa “món quà quê hương” mà còn góp phần giúp thanh niên có thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Đồng thời góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, phương thức canh tác đối với những loại cây có giá trị kinh tế cao như mãng cầu, chanh dây…”.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.