Multimedia Đọc Báo in

Ngành ngân hàng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19

09:00, 22/10/2021

Sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng và cộng đồng trong “cuộc chiến” đẩy lùi đại dịch COVID-19, thời gian qua, cùng với các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tiên phong, chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, cùng khách hàng sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk đã kịp thời triển khai nội dung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 của NHNN.

Qua đó, yêu cầu các TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, đánh giá, dự báo mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, không tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động; tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tiếp đó, NHNN Chi nhánh Đắk Lắk liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của NHNN.

Ông Tăng Hải Châu (bên phải), Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra công tác phòng, chống dịch và động viên cán bộ viên chức Agribank Đắk Lắk.

Đặc biệt từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, NHNN đã ban hành kịp thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp, chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh như: tái cơ cấu, hoãn giãn các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm phí thanh toán, giảm lãi suất và nhiều giải pháp chính sách khác.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, các TCTD đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, trong đó quan tâm đến nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, xuất khẩu, đầu tư sản xuất nông nghiệp...

Đơn cử, tại Agribank Đắk Lắk đã và đang thực hiện miễn phí dịch vụ chuyển tiền trên tất cả các kênh thanh toán của Agribank đối với khách hàng có tài khoản thanh toán tại ngân hàng này, không phân biệt giao dịch tại chi nhánh nơi mở tài khoản và khác nơi mở tài khoản.

Đối với hoạt động cấp tín dụng, Agribank Đắk Lắk đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngoài các giải pháp trên, Agribank Đắk Lắk đã thực hiện giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay hiện hữu; giảm tối đa 10% so với mặt bằng lãi suất đối với từng đối tượng, lĩnh vực tại thời điểm giải ngân.

Đồng thời với các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Agribank Đắk Lắk cũng thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng sớm khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch.

Cụ thể như: Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy mô 30.000 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn 4,8%, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 7,5%/năm); Chương trình tín dụng tài trợ cho khách hàng xuất nhập khẩu (quy mô 15.000 tỷ đồng và 30 triệu USD, mức cho vay đối với VNĐ là 3,5 – 4,5%/năm và 1,7 – 2,2%/năm đối với USD); Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng lớn (quy mô 15.000 tỷ đồng, mức cho vay thấp nhất là 3,7%/năm); Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng FDI (quy mô 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD, lãi suất cho vay thấp nhất 2,5%)...

Các đơn vị Agribank trên địa bàn Đắk Lắk tài trợ thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng tình tự nguyện, tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 bằng những hành động thiết thực, như: Hỗ trợ Quỹ Phòng, chống dịch; hỗ trợ mua thiết bị y tế, hỗ trợ các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu; tham gia công tác an sinh xã hội tại các khu điều trị, khu dân cư bị phong tỏa, với số tiền hàng tỷ đồng.

Ông Tăng Hải Châu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, cho biết, cùng với việc chấp hành nghiêm chỉ đạo Chính phủ, NHNN về hỗ trợ khách hàng, trong thời gian tới, các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cho vay, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng khắc phục khó khăn, cùng với địa phương thực hiện thành công “mục tiêu kép” và phục hồi kinh tế khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi.

Theo thông tin từ  NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, tính đến ngày 31-8-2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 19.214 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ cho 3.367 khách hàng, với dư nợ (gốc và lãi) là 1.226 tỷ đồng; miễn, giảm hơn 6,4 tỷ đồng lãi vay cho 8.069 khách hàng, với dư nợ 6.735 tỷ đồng; giữ nguyên nhóm nợ cho 558 khách hàng, với dư nợ là 1.121 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất trước khi có dịch, với doanh số cho vay là 56.369 tỷ đồng…

 

Phan Giang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.