Multimedia Đọc Báo in

Ngành ong mật "thấp thỏm" với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ

08:14, 11/10/2021

Ngành ong mật cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang gặp nhiều khó khăn từ Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất trong những năm qua. Điều này bắt đầu sau khi mật ong nhập khẩu từ Việt Nam bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu điều tra chống bán phá giá.

Sản lượng xuất khẩu giảm

Năm 2021 được xem là năm khó khăn của ngành ong mật trong vòng 30 năm qua, không chỉ do tác động của dịch bệnh COVID-19 mà còn là thông tin bất lợi từ thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, ngày 21-4-2021, nguyên đơn là những người nuôi ong và Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ kiện mật ong Việt Nam và 4 quốc gia khác gồm Brazil, Argentina, Ấn Độ, Ukraine bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành ong nội địa. Trong các nước này, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ với sản lượng chiếm 25 – 30%.

Một người dân tại xã Ea Tul, huyện Cư M'gar khai thác mật ong.

Thông tin trên đã gây xáo trộn, lo lắng không chỉ cho các nhà xuất khẩu mà cả doanh nghiệp nhập khẩu mật ong, bởi thời điểm này trúng mùa mật ở Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp nhập khẩu, sau khi có thông tin này, họ đều chốt đơn hàng từ rất sớm, hàng phải đi từ tháng 5 đến tháng 8-2021 để không bị áp thuế cao từ đầu tháng 9-2021, do dự kiến đến tháng 11-2021 mới có phán quyết về mức thuế phải chịu, nhưng theo quy định từ phía Hoa Kỳ, sản phẩm phải chịu thuế hồi tố từ trước đó 3 tháng. Điều này gây áp lực rất lớn cho các nhà xuất khẩu mật ong. Họ phải thu mua, chế biến và bán nhanh nhất để kịp tiến độ hợp đồng.

 

Toàn tỉnh hiện có 220.600 đàn ong, sản lượng mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Mật ong địa phương có một số mùa chính là mật hoa cà phê, tràm, cao su. Ngoài mật, ngành ong còn cung cấp ra thị trường mỗi năm hàng nghìn tấn phấn hoa.

Tuy nhiên, từ tháng 5-2021, dịch COVID-19 trong nước bắt đầu bùng phát mạnh khiến hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu mật ong bị ngưng trệ, đặc biệt mùa mật nhãn, vải ở miền Bắc vào khoảng tháng 6, tháng 7 thất bại nặng nề do ảnh hưởng dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách xoay xở để đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong tháng 8. Đến tháng 9 thì hầu như không có đơn hàng mật ong nào xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mùa mật năm nay kết thúc sớm hơn hằng năm, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp cả nước giảm 30%. Tại Đắk Lắk xuất khẩu mật ong chỉ đạt 57,4% kế hoạch năm, giảm gần 20% so với năm 2020.

Cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk đang trải qua thời điểm khó khăn. Lãnh đạo công ty này cho biết, giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, nhà máy của công ty ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước phải sản xuất “3 tại chỗ”, lái xe phải thường xuyên test nhanh, nhưng lượng hàng gom được rất ít do người nuôi ong không đi lấy mật được. Bên cạnh đó, việc lấy, gửi mẫu hàng ra nước ngoài cho đối tác cũng khó khăn. Chưa kể, do số lượng tàu hạn chế nên cước phí vận chuyển tăng gần gấp đôi. Đến thời điểm này, công ty chỉ xuất gần 7.000 tấn, giảm 3.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Lo thiệt hại kéo dài

Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, 90% sản lượng mật ong xuất khẩu của nước ta là vào thị trường Hoa Kỳ. Tại Đắk Lắk, 5 công ty ong mật lớn, mỗi năm xuất khẩu khoảng 25.000 tấn, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu cả nước. Hiện các doanh nghiệp ong mật đang tích cực hợp tác với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để tránh trường hợp bị áp mức thuế bất lợi.

Cụ thể, cả nước hiện có 32 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, trong đó, 24 doanh nghiệp tham gia điều tra tự nguyện, 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc gồm Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Ong mật Buôn Ma Thuột – những đơn vị đứng trong tốp đầu về xuất khẩu mật ong. Các bị đơn đã trả lời đầy đủ những câu hỏi về lượng và giá trị xuất khẩu để Hoa Kỳ thẩm định, làm căn cứ áp mức thuế cho mật ong Việt Nam tại thị trường nước này. Điều mà ngành ong lo lắng là phía Hoa Kỳ lấy giá thành nuôi ong của Ấn Độ để làm cơ sở tính thuế, bởi chi phí sản xuất, giá bán mật ong nước này cao hơn chúng ta.

Tuy nhiên, cơ sở để hy vọng mật ong được áp mức thuế có lợi là sản lượng mật ong Việt Nam ở Hoa Kỳ rất lớn, cơ quan độc lập sẽ thẩm định lại mức thuế gây ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ để đưa ra mức hợp lý, bởi nếu áp mức thuế quá cao thì sản lượng tại nước họ sẽ giảm mạnh. Hơn nữa mật ong Việt Nam có chất lượng tốt, được thị trường nước này ưa chuộng.

Đàn ong của một hộ dân tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ.

Theo các doanh nghiệp ngành ong, khó khăn sẽ tiếp tục đến với ngành này trong năm 2022 và thời gian tiếp theo, do chưa biết sản phẩm sẽ bị đánh thuế như thế nào nên các nhà sản xuất, xuất khẩu rất e dè. Hiện đang mùa đầu tư cho đàn ong, nhưng các đơn vị phải dừng lại vì sợ lỗ và cũng không liên kết đầu tư với người nuôi ong.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, nếu trường hợp thuế cao và khó xuất vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang châu Âu, dù thị trường này đòi hỏi những tiêu chí khắt khe hơn nhiều. Còn đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, họ đang rất lo lắng, thấp thỏm chờ phán quyết cuối cùng từ phía Hoa Kỳ mới tính toán kế hoạch kinh doanh cho thời gian tới.

Theo ông Lê Thanh Vân, nếu mật ong của Việt Nam bị áp mức thuế cao, không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến đời sống người nuôi ong trên cả nước. “Những năm gần đây, người nuôi ong gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, sản phẩm tiêu thụ chậm. Nhiều chủ ong hiện đang loay hoay chưa biết tăng hay giảm đàn, thậm chỉ một số người còn có ý định bỏ nuôi ong”, ông Vân chia sẻ.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.