Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Ea Nuôl giúp hội viên nghèo khởi nghiệp

07:29, 04/11/2021

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Nuôl có 17 chi hội, với 1.588 hội viên, trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50,5% số hội viên toàn xã.

Thu nhập của chị em chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên đời sống còn nhiều khó khăn, số hội viên nghèo chiếm tỷ lệ cao (51%).

Để giúp hội viên giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN xã Ea Nuôl đã chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là chị em người dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, rà soát số hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để có kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của các gia đình và địa phương.

Mô hình trồng quýt của gia đình chị H’Nao Bkrông, hội viên thuộc Chi hội Phụ nữ buôn Ea Mdhar 1A.

Đơn cử như trường hợp chị H’Nao Bkrông (hội viên Chi hội Phụ nữ buôn Ea Mdhar 1A) trước đây có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cả nhà bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng và 3 sào cà phê già cỗi, mỗi năm chỉ thu được 10 - 12 triệu đồng. Không đủ ăn, chồng chị phải đi phụ hồ để có tiền trang trải cuộc sống.

Năm 2018, chị H’Nao Bkrông được Hội LHPN xã Ea Nuôl đứng ra tín chấp Ngân hàng Seabank, giúp chị vay 30 triệu đồng để chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó vườn cà phê già cỗi của chị được thay thế bằng vườn quýt sai trĩu quả.

Tiếp đến, năm 2020 chị H’Nao Bkrông được Hội LHPN xã Ea Nuôl hỗ trợ 10 con thỏ giống, giúp chị về kỹ thuật chăm sóc thỏ. Đàn thỏ được chị chăm sóc tốt, sau hơn một năm đã sinh 6 lứa. Thỏ con sau một tháng nuôi chị bán với giá từ 120.000 - 140.000 đồng/cặp. Thỏ không sinh sản được, chị nuôi bán thịt với giá 70.000 - 75.000 đồng/kg. Từ ngày có thêm khoản thu từ vườn quýt và đàn thỏ, gia đình chị H’Nao Bkrông không những trả được hết nợ vay ngân hàng mà còn có "của ăn của để".

Mô hình nuôi bò sinh sản của chị Lương Thị Lan, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Hòa Thanh.

Tính từ năm 2017 đến nay, từ các nguồn kêu gọi, vận động, Hội LHPN xã Ea Nuôl đã hỗ trợ 41 hội viên nghèo khởi nghiệp với số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, Hội LHPN xã Ea Nuôl còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn, Ngân hàng Seabank cho hơn 600 hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với tổng dư nợ hơn 19 tỷ đồng; phối hợp với Bưu điện huyện Buôn Đôn hỗ trợ gian hàng khởi nghiệp nhằm giúp chị em tập kinh doanh, buôn bán.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.