Multimedia Đọc Báo in

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả: Nỗi lo chưa bao giờ cũ (kỳ 1)

09:27, 07/12/2021

Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, nhưng nhiều nông dân “đắng lòng” khi chính bản thân lại là người vô tình “đầu độc”vườn cây của mình chỉ vì mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng chứa chất cấm... 

Kỳ 1: Chiêu thức của hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại

Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn lợi dụng tình hình giãn cách xã hội, dùng các thủ đoạn để đưa hàng giả, kém chất lượng, có chứa chất cấm ra thị trường, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)...

Giả “KHAI HOANG Q7” và giật mình với chất cấm

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc BVTV giả mang nhãn hiệu "KHAI HOANG Q7". Chẳng hạn, 325 chai thuốc trừ cỏ mang nhãn hiệu "KHAI HOANG Q7" (loại 900 ml)  được bày bán tại hộ kinh doanh Xuân Dung (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Toàn bộ số hàng nói trên đều là hàng giả, có hoạt chất chính Glufosinate ammonium nhỏ hơn 0,667% so với công bố trên bao bì sản phẩm, không đạt chất lượng theo đăng ký, không phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng thuốc BVTV.

Đáng chú ý, chữ “KHAI HOANG Q7” gắn trên bao bì sản phẩm thuốc trừ cỏ trên có yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Cổ phần BMC Việt Nam (tỉnh Long An). Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh là bà Lê Thị Thanh Thúy không xuất trình được hồ sơ về chất lượng và đăng ký lưu hành sản phẩm này.

Hay như đại lý kinh doanh Thanh Hà (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) do ông Đào Duy Hưng làm chủ có bán đủ loại thuốc BVTV. Trong đó có đến 500 chai thuốc trừ cỏ (loại 900 ml) mang nhãn hiệu "KHAI HOANG Q7" và tất cả cũng đều là hàng giả. Để có nguồn hàng “giá tốt” tung ra trong lúc thị trường đang khan hiếm, ông Hưng đã nhờ người quen tìm mua giúp số hàng trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời mà “phớt lờ” các quy định về việc cung cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, hóa đơn, chứng từ sản phẩm...

Điểm mua bán vật tư nông nghiệp của ông Nguyễn Xuân Thanh (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) lâu nay là nơi mua bán nhộn nhịp, tin cậy của nhiều nông dân địa phương. Đáp lại niềm tin của người tiêu dùng, ông Thanh công khai bày bán 225 chai thuốc trừ cỏ là… hàng giả nhãn hiệu "KHAI HOANG Q7".

Phân bón giả rao bán trên mạng xã hội được cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi phát hiện và tịch thu.

Điều đáng nói là, qua phân tích các sản phẩm mang nhãn hiệu "KHAI HOANG Q7" bị làm giả trên, cơ quan chức năng phát hiện hoạt chất Paraquat và Glyphosate – đây là hai hoạt chất đã bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Chưa đầy một tháng, từ ngày 19/10 đến 17/11, Đoàn kiểm tra liên ngành Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh (gọi tắt là Đoàn 389) đã thu giữ hơn 1.000 chai thuốc BVTV làm giả, có chứa chất cấm đang bày bán tại nhiều nơi trên thị trường tỉnh. Việc trộn chất cấm, làm giả bao bì giống hàng thật không chỉ gây hậu quả nặng nề, làm ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường sinh thái mà còn mang lại những rủi ro cho hàng nông sản khi xuất khẩu. Một số lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị trả về thời gian gần đây đã đưa ra các cảnh báo về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên lại bắt nguồn từ việc nông dân vô tình mua phải thuốc BVTV, phân bón chứa chất cấm.

Ngang nhiên bày bán trên không gian mạng

Trong bối cảnh dịch COVID-19, nguồn thuốc BVTV, phân bón nhập khẩu bị gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến giá của mặt hàng này trên thị trường cũng tăng theo. Đây cũng là nguyên nhân khiến gian lận trong kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên thị trường “nóng” trở lại. Không ít hộ kinh doanh lợi dụng tình trạng này để thu lợi bất chính.

Số thuốc bảo vệ thực vật "KHAI HOANG Q7" giả, chứa chất cấm được Đoàn kiểm tra liên ngành Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phát hiện, tịch thu. 

Khi tìm hiểu về việc mua bán phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp, tình cờ chúng tôi được một người dân tư vấn "mua qua mạng giá sẽ rẻ hơn". Lần theo các trang Facebook và “Hội Phân bón & thuốc BVTV” không khó để tìm mua các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV, trong đó có nhiều loại sản phẩm chứa hoạt chất Paraquat và 2,4D đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam. Một trang Facebook “Chuyên cỏ Sale”, không ghi số điện thoại, chỉ thấy ghi địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh rao bán thuốc trừ cỏ Paraxone 276SL, có thành phần Paraquat Dichlorid 276 gam/lít, được quảng cáo “hàng chuẩn, giá rẻ, bao cỏ chết nhanh. Hàng đã được anh em trong nghề kiểm định. Anh chị em nào có nhu cầu thì inbox”. Chủ trang Facebook chỉ nhận đặt hàng qua inbox, khách đặt hàng thì nhắn tin trao đổi. Khi nhắn tin hỏi mua sản phẩm, chủ trang Facebook này báo giá 125.000 đồng/chai, đã giảm giá, người mua ghi lại địa chỉ, số điện thoại và thanh toán khi giao hàng. Đây là loại thuốc không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

Ngày 8/2/2017, Bộ NN-PTNT ban hành quyết định loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Tiếp đó, tháng 4/2019, Bộ NN-PTNT cũng đã có quyết định về việc loại bỏ thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Từ việc quảng cáo, rao bán tràn lan trên mạng xã hội, các loại thuốc BVTV có chất cấm dễ dàng đến tay nông dân, đổ ra ruộng đồng. Ông Trương Văn Nhương, Cục phó Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Trưởng Đoàn 389 thông tin, hiện nay có tình trạng phân bón, thuốc BVTV được rao bán cả trên các trang mạng xã hội, chất lượng thì khó kiểm chứng. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng môi trường không gian mạng, sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… để bán hàng. Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ một số vụ buôn bán phân bón giả trên các trang mạng xã hội. Ông dẫn chứng: hồi cuối năm 2020, thông qua công tác khai thác thông tin, Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông (thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) phát hiện một cá nhân rao bán phân bón trên trang Zalo và Facebook. Vụ việc nhanh chóng được chuyển cho Đoàn 389 để xử lý. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đoàn kiểm tra liên ngành theo dõi và xác định, đối tượng này đang giao bán 20 thùng phân bón NPK 20-19-22+TE loại 20kg/thùng (do Công ty TNHH Kỹ Thuật Nông nghiệp Rosano sản xuất) tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột là hàng giả.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Nước mắt nhà nông

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.