Thu nhập ổn định từ nuôi ốc nhồi thương phẩm
Tận dụng lợi thế về mặt nước, đầu năm 2021 anh Hàn Trần Tuấn Bảo (ở thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) quyết định đầu tư nuôi ốc nhồi (còn gọi là ốc bươu đen).
Anh Bảo mua 1.000 con ốc giống và 1 kg trứng về nuôi thử nghiệm. Chịu khó tìm hiểu tài liệu và quan sát, anh phát hiện những đặc tính của ốc nhồi để có phương pháp chăm sóc phù hợp nên đàn ốc sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỷ lệ ốc sống đạt trên 90%. Sau 4 - 5 tháng nuôi, ốc giống bắt đầu đẻ trứng và cho thu ốc thương phẩm. Anh lựa chọn những con ốc to, khỏe mạnh để tiếp tục nhân giống cho các vụ tiếp theo. Hiện anh Bảo đã mở rộng quy mô nuôi ốc nhồi lên 500 m2 được chia làm 8 ô nuôi, với số lượng lên đến hàng vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc thịt.
Trung bình mỗi tháng gia đình anh Bảo xuất bán ra thị trường hơn 100 kg ốc thương phẩm. |
Thức ăn cho ốc nhồi đều là những loại rất quen thuộc, dễ tìm như: các rau cỏ mọc tự nhiên, các vi sinh vật trong bùn non, không cần dùng các loại thức ăn công nghiệp nên thịt ốc bảo đảm chất lượng và được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Tùy thời điểm ốc nhồi có giá bán khác nhau, dao động 80.000 đồng/kg đối với ốc thịt, ốc bố mẹ 150.000 đồng/kg và 300 đồng/con đối với ốc giống... Hiện nay, bình quân mỗi tháng gia đình anh Bảo xuất bán ra thị trường hơn 100 kg ốc thương phẩm, cùng nhiều ốc giống và trứng ốc; sau khi trừ hết chi phí lãi hơn 10 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các mô hình khác...
Theo anh Bảo, ốc nhồi rất dễ nuôi, phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp, ít công chăm sóc, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, hồ đất hoặc bể xi măng. Thịt ốc nhồi thơm và ngọt được thị trường ưa chuộng nên đầu ra tương đối ổn định. Ốc nhồi tuy sống ở dưới bùn, nhưng lại là loài ưa sạch, chỉ sống trong môi trường nước sạch. Để ốc phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh thì người nuôi cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn nhưng cũng không cho ăn quá nhiều bởi chính những thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết hoặc dễ mắc bệnh; cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng nước vôi, men vi sinh định kỳ.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc