Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng cây vải sớm ở Ea Yiêng

08:40, 31/12/2021

Thành công với cây vải u hồng trên mảnh vườn của gia đình, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) Nguyễn Văn Hải đã trở thành người cầm tay chỉ việc cho nông dân nơi đây với kỳ vọng đồng hành với bà con xây dựng vùng nguyên liệu vải sớm.

Hơn ba mươi năm gắn bó với mảnh đất Ea Yiêng, anh Nguyễn Văn Hải thấu hiểu những nhọc nhằn mà người nông dân nơi đây phải đối mặt. Đất đai nghèo dinh dưỡng, nhiều đồi dốc lại thiếu nước tưới trong mùa khô, bà con trồng cây gì, nuôi con gì cũng kém hiệu quả.

Là một cán bộ trẻ, anh Hải tâm niệm phải tìm ra một loại cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và cũng là giúp bà con tìm được hướng cải thiện cuộc sống. Trên mảnh đất hơn 1,7 ha của gia đình, anh Hải đã mang nhiều giống cây ăn quả như xoài, mít Thái, cam, quýt… về thử nghiệm xen canh cùng cây cà phê nhưng hiệu quả không cao.

Năm 2015, anh được tham quan và học hỏi một số mô hình trồng vải u hồng trên địa bàn huyện Krông Pắc. Nhận thấy tiềm năng của cây vải, anh đã mạnh dạn đầu tư 200 gốc vải, thay thế một phần các loại cây trồng không hiệu quả trước đây. Nhờ được chăm bón, xử lý ra hoa đúng kỹ thuật, sau 3 năm xuống giống, những gốc vải đã cho đợt trái bói đầu tiên. Anh Hải bán được 1 tấn quả tươi với giá cắt tại vườn là 30.000 đồng/kg. Những năm tiếp theo, sản lượng vải ngày một tăng theo độ tuổi của cây nên lợi nhuận cũng tăng dần. Vụ thu hoạch vải vừa qua, anh thu lãi 150 triệu đồng. Nhẩm tính hiệu quả bước đầu đã cao hơn nhiều so với canh tác cà phê trên cùng một diện tích, anh Hải mở rộng diện tích trồng vải trong vườn nhà và hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích bà con trong vùng cùng thực hiện chuyển đổi.

Anh Nguyễn  Văn Hải (bên trái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vải cho người dân xã Ea Yiêng.

Anh Ê (dân tộc Xê Đăng) là một trong những hộ người dân tộc thiểu số ở buôn Kon Hring mạnh dạn chuyển đổi sang trồng vải u hồng theo hướng dẫn của anh Hải. Anh Ê tâm sự, gia đình có 3 sào đất đồi trồng hoa màu. Anh cũng từng thử trồng mít Thái nhưng cây sinh trưởng kém lại nhiều sâu bệnh nên hầu như không cho trái. Thấy anh Hải trồng vải hiệu quả, anh xin học hỏi kinh nghiệm được anh Hải hướng dẫn rất tận tình. Mùa mưa năm nay, anh Ê đã mạnh dạn trồng 100 cây vải và đang nỗ lực chăm sóc để cây ra hoa, kết trái.

Anh Hải chia sẻ, phần đông dân cư tại xã Ea Yiêng là người dân tộc Xê Đăng. Bà con đều rất chăm chỉ lao động nhưng do thiếu vốn và thiếu kiến thức nên vẫn còn rất e ngại khi tiếp cận các mô hình mới. Chính vì vậy, chính mình phải đi trước, làm gương để bà con thấy được hiệu quả, hiểu được cách làm thì mới tin và làm theo. Và cũng vì tự “quàng” thêm nhiệm vụ nên anh Hải phải tranh thủ giờ nghỉ và cả thứ bảy, chủ nhật để đến từng vườn kiểm tra tình hình phát triển của cây vải, hướng dẫn bà con xử lý kịp thời, chủ động phòng, chống các loại sâu hại. Đến nay, anh đã chuyển giao kỹ thuật canh tác cây vải cho hơn 30 hộ dân tại xã Ea Yiêng với tổng diện tích hơn 7 ha.

Ngoài ra, anh Hải còn là một thành viên tích cực của Tổ hợp tác vải sớm huyện Krông Pắc. Định hướng của Tổ hợp tác là xây dựng được vùng nguyên liệu vải sớm ở các xã, thị trấn, phát triển lên thành hợp tác xã để tập hợp nông dân cùng chia sẻ kỹ thuật canh tác, xây dựng thương hiệu, nâng cao lợi thế cạnh tranh để loại cây trồng này phát triển bền vững, giúp bà con giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.