Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên lập nghiệp trên quê hương

08:57, 20/12/2021

Với khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên huyện Buôn Đôn đã mạnh dạn thay đổi tư duy để lập nghiệp tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ Nông Thanh Hòa (SN 1987, ở thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) vào TP. Hồ Chí Minh kiếm sống bằng đủ nghề, từ làm thuê, làm công nhân trong nhà máy... Sau một thời gian làm việc, thấy công việc nơi "đất chật người đông" này khá khó khăn, để kiếm ra đồng tiền không dễ dàng, cuộc sống lại chật vật, bị gò bó nên anh quyết định khăn gói về quê, tìm kiếm con đường làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Lúc bấy giờ, anh đã có niềm đam mê với sông nước, khát khao nuôi các loại tôm, cá nên đã tìm học một lớp hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi cá giống. Năm 2010, trên 2 sào đất vườn của gia đình, anh đã đào ao thả 50 vạn con cá giống các loại để nuôi thử. Kết quả, chỉ sau ba tháng, anh đã xuất bán lứa cá đầu tiên, lãi được 30 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi cá giống mang hiệu quả kinh tế cao nên anh đã mạnh dạn bỏ vốn mua thêm 5 sào đất, đào thêm 2 ao cá để thả thêm 100 vạn con giống. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn do khí hậu, thời tiết thất thường, đặc biệt vào mùa mưa lũ nước lên, đàn cá trôi dạt đi, bị mất trắng.

Anh Nông Thanh Hòa (thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cho cá giống ăn.

Không vì vậy mà nản lòng, anh đúc rút kinh nghiệm, bỏ chi phí xây dựng thành ao cao lên, đắp bờ, xây cống thoát nước, thả số lượng cá giống ít hơn vào mùa mưa để tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích hồ, anh thả bèo nuôi ốc nhồi để tăng thu nhập. Nhờ vậy, thời điểm hiện tại thu nhập của anh khá cao, mỗi năm trừ chi phí, anh lãi hơn 200 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, anh Hòa luôn tìm những hướng đi mới. Cuối năm 2021, anh tham gia dự án chăn nuôi, cung cấp cá giống và du lịch trải nghiệm, được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn (nguồn vốn 120). Bằng năng khiếu thiết kế của mình, anh tự thiết kế ao vườn, quán cà phê nhờ nguồn vốn này. Dự kiến, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, anh sẽ mở quán cà phê trải nghiệm nhằm thu hút khách tham quan và kết hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm của gia đình.

Chàng thanh niên trẻ Trần Thanh Hùng (SN 1994, trú thôn 6, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) lại có hướng đi khác cho mình. Đầu năm 2020, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Hùng mạnh dạn đầu tư hơn 200 trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi heo thịt và heo rừng lai trên 5 sào đất của gia đình.

Trang trại nuôi heo rừng lai của anh Trần Thanh Hùng (thôn 6, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn).

Hùng chia sẻ, năm 2018, sau khi tốt nghiệp ngành Thú y tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, anh tham gia nghĩa vụ quân sự.  Sau khi xuất ngũ, thay vì đi các thành phố lớn để tìm việc làm như bạn bè cùng trang lứa thì anh chọn lập nghiệp tại quê hương. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn vì phải tìm mua heo rừng lai trong từng hộ đồng bào Êđê ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), lựa chọn con giống để gây đàn, phát triển số lượng. Khi mới bắt đầu nuôi heo thịt, anh cũng gặp khó khăn do trong thời điểm đó dịch tả heo châu Phi đang bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, với kiến thức học được trên ghế nhà trường, anh nắm rõ đặc tính sinh sản, sinh trưởng, cách phòng các loại bệnh. Cùng với việc chú trọng vào khâu vệ sinh chuồng trại nghiêm ngặt, không để người ngoài vào nên anh kiểm soát được dịch bệnh. Từ 10 con heo rừng lai ban đầu, anh không xuất bán hết mà giữ lại 1 heo đực và 5 heo nái để duy trì con giống. Nhờ vậy, anh vừa bán được heo rừng lai thịt vừa bán được con giống. Thời điểm heo rừng lai nái sinh nhiều, diện tích chuồng trại không đủ nuôi, lại được giá, anh xuất bán với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/con. Còn đối với heo thịt, mỗi con từ 20 - 30 kg anh bán với giá 3 - 5 triệu đồng. Mỗi năm anh xuất được một lượng lớn heo thịt và heo rừng lai, lãi gần 150 triệu đồng/năm.

5 con heo rừng lai nái của anh mỗi năm sinh khoảng 90 con giống nhưng anh Hùng không để lại nuôi hết mà tạo hỗ trợ giống heo cho các thanh niên khác trên địa bàn huyện. Cùng với đó, anh nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi heo cho các bạn trẻ muốn lập nghiệp từ mô hình nuôi heo rừng lai.

Có thể thấy các mô hình lập nghiệp như anh Hùng, anh Hòa là những điểm sáng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống tại quê nhà. Hy vọng, sắp tới những mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển và giàu mạnh.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.