Cần kiên quyết chấn chỉnh phân lô bán đất nền tự phát
Chuyện người dân tự ý phân lô đất nền trên diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp không còn lạ trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương đã có văn bản cùng các cấp cơ sở tăng cường giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm này, song tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Từ cuối năm 2019, sau khi có Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thị trường nhà đất ở thành phố đã có những thông tin biến động, lan ra các huyện xung quanh. Tại huyện Krông Pắc, trong vòng ảnh hưởng đó, xuất hiện tình trạng người dân tự ý cùng một số tổ chức môi giới tiến hành cải hoán vườn rẫy thành đất nền phân lô để bán. Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, bởi thông tin rất đông nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về Tây Nguyên mua đất “tránh dịch”, dư luận càng bùng lên những đồn thổi mới. Một cơn sốt đất ngoài quy hoạch theo đó ngày một lan rộng. Từ thị trấn Phước An vòng lại giáp TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar hướng về thị xã Buôn Hồ, không ít rẫy cà phê đang trong kỳ thu hoạch, sắc đỏ đượm lá xanh, trải dọc các triền đồi cũng được treo bán đất. Tại huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột, “cơn sốt đất” càng hoành hành hơn. Đất vườn tại đây đang có xu hướng tăng giá, từ một mẫu đất trồng trọt trước dịch có thể rao sang nhượng 600 triệu đồng, nay đã lên hơn 1,1 tỷ đồng..
Người dân làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tại bộ phận một cửa cấp huyện. |
Đơn cử tại huyện Cư M’gar, người dân có dấu hiệu tách thửa tràn lan với số lượng lớn trên diện tích canh tác, với lý do “cần chuyển đổi đất do nhu cầu nhà ở, gia đình đông người”. Lý do này theo luật phải giải quyết nên chỉ cần nằm trong quy hoạch là có thể được chuyển đổi đất từ đất nông nghiệp sang thổ cư. Các hồ sơ này, người dân lại chỉ cần làm việc với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nên chính quyền không thể nắm bắt được. Mâu thuẫn chỉ có thể được phát hiện khi tại một diện tích thửa đất, số lô tách ra quá nhiều và có những động thái vi phạm xây dựng khác...
Theo các nhà tư vấn, với hiện trạng này, các cấp quản lý cần có ba bước để kiểm soát và giải quyết chặt chẽ vấn đề:
Thứ nhất, công khai các thông tin quy hoạch, đặc biệt quy hoạch đô thị hóa với những thông tin khu dân cư, đô thị mới được đầu tư tại địa phương, có cả tiến độ hoàn thành, giúp người dân có được những địa chỉ đầu tư hợp lý, hợp pháp và được bảo đảm các quyền lợi liên quan. Chỉ riêng TP. Buôn Ma Thuột đã có khá nhiều dự án khu đô thị mới được hình thành cho nhu cầu này, như khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập, phường Tân An), Eco City (km7, phường Tân An), VN Đà thành... ở khu vực đường vành đai phía tây.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, thủ tục đăng ký đất đai, hỗ trợ người dân chuyển quyền sử dụng đất, phân biệt rõ các đối tượng đất, chính sách đi kèm để tránh các “bẫy cò đất”, tránh dẫn đến giao dịch nhà đất thiếu pháp lý, không được chuyển đổi... gây tác hại lớn.
Thứ ba, rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp lãnh đạo chính quyền, cán bộ đăng ký đất đai thông đồng các tổ chức môi giới, kết bè với các nhóm tư vấn nhà đất tự phát để hợp thức hóa các hồ sơ tách thửa phân nền sai quy định trong người dân. Đồng thời, cần kiên quyết xử phạt những cá nhân, tổ chức hoạt động môi giới, tư vấn tự phát, không có chứng chỉ hành nghề, không có kỹ năng và trách nhiệm tư pháp. Đây là phần nan giải nhất nhưng lại là mấu chốt để địa phương thực sự ngăn chặn được các sai phạm về đất đai tại địa bàn.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc