Multimedia Đọc Báo in

“Đòn bẩy” tăng trưởng xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do

06:22, 22/01/2022

Khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh đã tận dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa hoạt động xuất khẩu của địa phương trở thành điểm sáng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện 1.136 triệu USD, đạt 174,8% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được coi là điểm sáng trong hoạt động thương mại của tỉnh qua một năm đầy “sóng gió” do “bão” COVID-19.

Một trong những yếu tố đóng góp thành công này là Việt Nam đã tham gia nhiều FTA mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, trong đó có những đối tác quan trọng như Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... Trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là những FTA thế hệ mới toàn diện, cân bằng lợi ích với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Chế biến cà phê đặc sản phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Nhiều DN của tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới để chủ động lên phương án phục hồi sản xuất, thúc đẩy giao thương, ký kết thêm các đơn hàng trong bối cảnh đại dịch. Với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, đại dịch gây ra nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, khi nhiều FTA có hiệu lực, công ty đã tận dụng ưu đãi về thuế quan, các chính sách về xuất nhập khẩu để phát triển thêm các đơn hàng, thị trường mới và nâng cao giá trị các lô hàng xuất đi. Nhờ đó, công ty đã đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 118,6% kế hoạch và bằng 133,3% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... được duy trì đà tăng trưởng khá.

Theo Sở Công thương, tác động từ các FTA giúp nhiều DN mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Điển hình như, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt gần 67,3 triệu USD (chiếm 5,9% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 9,8% so với năm 2020); xuất khẩu sang thị trường các nước EVFTA hơn 116 triệu USD (chiếm 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 8,8%); xuất khẩu sang thị trường các nước UKVFTA gần 5,1 triệu USD (chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 26,9%).

 
Các FTA đang là “đòn bẩy” để  thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, vấn đề là các DN của tỉnh phải nắm vững những điều kiện, quy định của mỗi FTA để xây dựng kế hoạch, đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tận dụng tốt những cơ hội mà các FTA mang lại.
 
Ong Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các FTA cũng đặt ra những quy định và tiêu chuẩn gắt gao hơn cho các bên tham gia nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Các quy định này đặt ra những thách thức mới cho DN Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường. Do đó, bên cạnh việc vận dụng những điều kiện thuận lợi của các FTA để tăng trưởng xuất khẩu, việc triển khai thực hiện các FTA trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là nguyên liệu (sản phẩm thô); việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo nhóm sản phẩm từ sản xuất, liên kết sản xuất của các hộ, trang trại… nên chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ra các nước trên thế giới, từ đó dẫn đến khả năng nắm bắt thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường của các nước thành viên CPTPP, EVFTA và UKVFTA còn giới hạn. Thêm vào đó, các DN của tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, nhất là đối với các DN tư nhân còn yếu về trình độ quản trị DN và chưa quan tâm nhiều đến công tác đào tạo, tập huấn kiến thức về thực thi các hiệp định...

Cà phê chế biến phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV ANH Coffee.

Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng ngành công thương tỉnh dự báo năm 2022, hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục khởi sắc khi mà các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

Điều này mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường xuất khẩu cho DN của tỉnh. Để “tạo đà” cho hoạt động xuất khẩu phát triển, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh cung cấp thông tin kịp thời về lợi thế của các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; thông tin thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản kỹ thuật, các quy định về mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, định hướng thị trường, định hướng sản xuất... tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành tư duy làm ăn mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Đồng thời, tuyên truyền cho các DN thực hiện việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tại những thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cũng như tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và các ưu đãi về thuế quan đối với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.