Chắt lọc hương vị bazan
Nếu hơn 100 năm trước, người Pháp đã mang những hạt cà phê đầu tiên đến gieo trồng tại Việt Nam thì hôm nay, người Việt Nam đã mang hương vị thơm ngon của cà phê đặc sản ra thế giới. Đó là cả một hành trình chắt lọc hương vị mang dấu ấn lịch sử, văn hóa trên những vùng cao nguyên đất đỏ.
Kể từ khi xuất hiện trên đất nước Việt Nam, đến hôm nay, cà phê đã xác lập một vị thế mà không phải bất cứ cây trồng nào cũng có được, trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng hàng đầu của cả nước và là cây kinh tế chủ lực của Tây Nguyên. Riêng với Đắk Lắk, cà phê đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước.
Tuy nhiên, khi trị giá cà phê trên thế giới được xác lập không chỉ bằng bộ tiêu chuẩn khắt khe mà còn qua giá trị nhân văn của hạt cà phê mang lại, ngành cà phê Việt Nam nói chung và cà phê của Đắk Lắk nói riêng đã nhận thức lại và đang có những bước đi mới trong hành trình đưa hạt cà phê vươn tầm.
Học viên tham gia lớp tập huấn chế biến cà phê đặc sản do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. |
Là đơn vị tiên phong trong sản xuất cà phê đặc sản, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, trong những chuyến tham gia triển lãm tại nước ngoài có thể nhận thấy Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới nhưng lại không ai biết về giá trị của cà phê Việt Nam. Điều đó đã thôi thúc Simexco Đắk Lắk bước vào con đường cà phê đặc sản với quyết tâm phải mang được những hạt cà phê có giá trị khác biệt của Việt Nam đến với thế giới. Và 300 kg cà phê Fine Robusta đầu tiên (tự nhận vì thời điểm đó không có một tổ chức nào ở Việt Nam có thể công nhận) vượt qua một mùa vụ khó khăn với thời tiết bất lợi, kiến thức sản xuất hoàn toàn là tự nghiên cứu… đã đến được với các nhà thử nếm, rang xay trên thế giới trong ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Sau 4 năm, từ những bước đi đầu tiên, Simexco Đắk Lắk đã trở thành đơn vị đồng hành với cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam (Amazing Cup) lần thứ nhất do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức vào năm 2019, đúng vào dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Cuộc thi đã trở thành nơi hội tụ nhiều nhà rang xay, sản xuất từ các vùng trồng cà phê trên cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam được tôn vinh, lan tỏa. Thị trường cà phê đặc sản ngày càng được mở rộng, kết nối hiệu quả hơn, điều đó được minh chứng qua cont hàng 19 tấn hạt cà phê đặc sản do Simexco Đắk Lắk xuất khẩu trực tiếp sang Anh vào tháng 8/2021.
Chế biến cà phê đặc sản tại Hợp tác xã Ea Tân - đơn vị liên kết với Simexco Đắk Lắk. |
Trải qua 3 mùa thi Amazing Cup đã tạo ra một “cộng đồng cà phê đặc sản” thu hút được khá đông người sản xuất cà phê tham gia cũng như mang lại nhiều giá trị cho ngành hàng cà phê Việt Nam.
Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk LÊ ĐỨC HUY
|
Là một trong những nhân tố mới của Amazing Cup năm 2021, tuy lần đầu tiên tham gia, nhưng Pun Coffee đến từ Khe Sanh, Quảng Trị đã vượt qua 74 mẫu của 41 đơn vị đoạt giải nhất về sản phẩm cà phê Arabica chế biến Natural (84.50 điểm), cà phê Arabica chế biến Honey đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản (81,68 điểm).
Chia sẻ về hành trình đến với cà phê đặc sản, chị Lương Ngọc Trâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Pun Coffee xúc động: “Đối với tôi đây là một hạnh phúc ngỡ ngàng, đối với tập thể lao động của Pun Coffee đó là sự sung sướng. Ngay từ khi thành lập vào năm 2019, mục tiêu sản xuất cà phê đặc sản đã được đặt ra theo hướng “Farm to cup”, không chỉ là mô hình quản lý chất lượng đầu cuối, kết nối các nguồn lực để đảm bảo chất lượng nguyên liệu tươi ngon “từ nông trại đến ly cà phê” mà còn hướng đến sự thay đổi về khái niệm dùng cà phê của người dùng. Những nỗ lực ấy đã được ghi nhận tại Amazing Cup mùa thứ 3. Thành tích của Pun Coffee là cả quá trình mà chúng tôi đã sát cánh cùng với nhau xuyên suốt trong những mùa vụ từ sáng cho tới khuya. Hạt cà phê được nâng niu, yêu thương và được gửi gắm vào đó niềm tin của cả cộng đồng dân tộc Vân Kiều đã gắn bó lâu đời với cây cà phê. Thành tích này cũng đã mang lại những giá trị, niềm tin mới cho những người trồng cà phê ở vùng đất vốn lâu đời nhưng vẫn còn là một thương hiệu nhỏ bé trên bản đồ cà phê Việt Nam như Khe Sanh”.
Vùng nguyên liệu cà phê Arabica của Công ty TNHH Pun Coffee. |
Tháng 12/2021, một hợp đồng được ký kết thành công giữa đại diện Công ty TNHH Pun Coffee với Công ty TL Group LLC có trụ sở tại Hoa Kỳ. Cà phê đặc sản của Pun Coffee vượt qua quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ sẽ chính thức có mặt tại Hoa Kỳ vào quý I năm 2022 là niềm tự hào không chỉ riêng cho cà phê đặc sản Quảng Trị mà còn của cà phê đặc sản Việt Nam.
Có thể khẳng định, vượt lên những giá trị vật chất hiện hữu, cà phê đặc sản Việt Nam còn làm thay đổi nhận thức của thế giới đối với chất lượng của cà phê Việt Nam.
Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, cà phê đặc sản được định hướng phát triển tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với tổng diện tích gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam. |
Hương Lê - Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc