Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp xuất khẩu và những câu chuyện “ngược dòng”

19:42, 06/02/2022

“Cơn bão” COVID-19 đã không đánh gục được doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Đắk Lắk. Không những thế, nhiều DN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng với những cách làm hay để “ngược dòng” vượt qua khó khăn, không bị bỏ lại phía sau trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khủng hoảng do chi phí logistics tăng cao, thiếu tàu vận chuyển khiến các đơn hàng đình trệ. Trong tình cảnh đó, nhiều DN đã có giải pháp linh hoạt từ việc chủ động nguyên liệu, tổ chức sản xuất cho đến xuất khẩu hàng hoá.

Một trong những điển hình về xuất khẩu trong năm qua là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk). Là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu cà phê nhiều năm qua, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sản lượng xuất khẩu của DN giảm 10%.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk cho biết, khó khăn lớn nhất của công ty là duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh chi phí đầu tư tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu container, cước tàu vận chuyển tăng cao. Công ty đã triển khai kế hoạch cụ thể cho các nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch theo mô hình “ba tại chỗ”.

Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, DN đã kéo container từ Bình Dương về Đắk Lắk để đóng hàng xuất khẩu. Công ty cũng đổi phương án xuất khẩu từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) sang cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Khi dịch cơ bản được khống chế, công ty tiếp tục lên kế hoạch để phục hồi, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Do đó, trong năm 2021, đơn vị đã xuất khẩu và bán nội địa được 100.000 tấn cà phê, bảo đảm kế hoạch đề ra. Riêng trong quý 3/2021, sản lượng xuất khẩu tăng 20%.

Kho cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Đối với Công ty TNHH Ban Mê Green Farm, dịch bệnh khiến việc xuất khẩu nông sản của công ty bị ngưng trệ hoàn toàn do đứt gãy hệ thống logistics. Khi địa phương triển khai các biện pháp giãn cách để khống chế dịch, kế hoạch sản xuất của công ty bị ngưng trệ vì nếu sản xuất “ba tại chỗ” thì không đủ chi phí. Điều này buộc công ty phải ngưng toàn bộ tất cả các đơn hàng. Ở vùng nguyên liệu cũng không có nhân công thu hái.

Thế nhưng công ty vẫn cam kết bao tiêu sản phẩm và giãn thanh khoản cho người dân để cùng nhau vượt qua đại dịch. Tất cả các trang trại cà chua vẫn sản xuất bình thường, nhưng thị trường lớn nhất của công ty là TP. Hồ Chí Minh đóng cửa trong nhiều tháng, do đó toàn bộ hệ thống phân phối bị đứt gãy hết, công ty bị ảnh hưởng đến 80% doanh thu so với bình thường.

Bà Thái Thị Thanh, Giám đốc công ty cho biết, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của đơn vị đã được kích hoạt lại trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai hoàn thiện các kho xưởng, kích hoạt các đơn hàng đã ký kết. Công ty cũng tăng cường các mối quan hệ để tìm kiếm thêm những đơn hàng mới. Trước dịch, công ty xuất khẩu đi Nhật Bản với sản lượng gần 30 tấn cà chua, khoai lang.

Đến nay công ty đang lên kế hoạch phục hồi xuất khẩu. “Hiện các đối tác ở Nhật Bản đã liên hệ với công ty để kích hoạt lại việc xuất khẩu cà chua. Ngoài ra, đơn vị cũng nhận được nhiều đơn hàng các loại nông sản khác như dứa, cà rốt. Chúng tôi đã gửi mẫu sản phẩm đi một số đối tác ở châu Âu để họ kiểm tra và đang tìm vùng nguyên liệu để ký kết với các đối tác trong thời gian tới”, bà Thanh cho biết.

Thu hoạch cà chua Nova tại trang trại của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm.

Theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi, DN xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu container và tàu hàng nên hợp đồng giao hàng chậm. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu ở dạng thô, giá trị chưa cao; thiếu các DN, đầu mối xuất khẩu lớn để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; chưa xây dựng được vùng sản xuất an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu; một số sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Để tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu, ngành công thương sẽ nắm bắt về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu để thông tin đến DN có kế hoạch vận chuyển hợp lý nhằm tránh thiệt hại; đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử và thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp; tập trung xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao, nông sản qua chế biến. Đồng thời, thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường sau chế biến. 

Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2021 đạt hơn 1,1 tỷ USD, bằng 174,8% kế hoạch năm, tăng 0,2% cùng kỳ năm 2020. Sản lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng đạt khá cao, cụ thể: xuất khẩu cà phê nhân đạt 210.000 tấn (đạt 91,3% kế hoạch), cà phê hòa tan 8.500 tấn (113,3%), hạt tiêu 6.000 tấn (89,6%),...

Minh Thông - Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.