Multimedia Đọc Báo in

Lập nghiêm quy hoạch xây dựng

08:50, 13/02/2022

Những ngày qua, thông tin chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, xử lý các vi phạm hành chính trong tổ chức kinh doanh, hoạt động môi giới nhà đất… được ban hành tại Nghị định 16/NĐ-TTg do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ngày 28/01/2022 khiến dư luận đồng tình.

Đây là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc lập nghiêm quy hoạch xây dựng, giám sát phát triển xây dựng, đặc biệt với các khu dân cư, đô thị.

Nội dung Nghị định 16 quy định xử phạt hành chính về xây dựng, gồm các hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà. Đối tượng áp dụng của nghị định này là các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính; là những người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

Như thế, khung áp dụng của Nghị định 16 là bao quát và rõ ràng, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức trong vấn đề tổ chức quy hoạch, giám sát xây dựng… Điều này thể hiện đúng tinh thần quản lý của Chính phủ đối với bộ máy hành chính nhà nước, các giới chức trách về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng các đô thị, các vùng và khu dân cư. Đối tượng được nhấn mạnh ở Nghị định là bộ máy quản lý nhà nước về xây dựng từ cấp bộ ngành cho đến các địa phương.

Chủ đầu tư khu đô thị Ân Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đảm bảo thi công hạ tầng kỹ thuật, văn hóa và thương mại đúng tiến độ cam kết. 

Trong Nghị định, có thể thấy rõ ba phân vùng áp dụng cụ thể.

Từ Điều 7 đến Điều 23, Nghị định quy định các vi phạm của cấp quản lý trong lựa chọn các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng; vi phạm về khảo sát xây dựng, lập quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; vi phạm về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng, dự toán xây dựng; vi phạm về đầu tư phát triển đô thị, về khởi công xây dựng công trình, trật tự xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng… Ở mảng này, nhấn mạnh của Nghị định chính là công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, giám sát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về trật tự, thiết kế, phát triển các đô thị và vùng dân cư. Điều này liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thẩm định có chức năng thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở khâu quản lý.

Từ Điều 24 đến Điều 58, Nghị định quy định rõ những trách nhiệm của các nhà thầu, chủ đầu tư khi vi phạm về điều kiện hoạt động xây dựng, hồ sơ dự thầu, khảo sát xây dựng, quy hoạch xây dựng; thiết kế, trật tự xây dựng, thi công, an toàn thi công, giám sát thi công, nghiệm thu, hợp đồng xây dựng…; các vi phạm hành chính về vật liệu xây dựng, về quản lý công trình, hạ tầng kỹ thuật, quản lý chiếu sáng, cây xanh đô thị, quản lý, sử dụng công trình ngầm, và các hạ tầng kỹ thuật khác. Rõ ràng ở phân vùng này, đối tượng áp dụng chính là các cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tư nhân về công tác tổ chức, giám sát và kiểm soát đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng. Các cơ quan tham mưu cấp sở ngành địa phương, các đơn vị giám sát, tư vấn xây dựng và đầu tư, cùng các chủ đầu tư, nhà thầu… sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động tham gia đầu tư và thực hiện các dự án đã được quy hoạch ở địa phương.

Từ Điều 58 đến Điều 71, Nghị định quy định các vi phạm trong kinh doanh bất động sản, quản lý phát triển nhà, quản lý sử dụng thông tin nhà ở và bất động sản, đào tạo môi giới bất động sản, điều hành kinh doanh, quản lý vận hành nhà chung cư…; vi phạm về quản lý, phát triển nhà, sử dụng nhà… Ở đây, riêng Điều 59 ban hành quy định về các vi phạm kinh doanh dịch vụ bất động sản, mới trực tiếp liên quan đến các đối tượng môi giới kinh doanh đất đai nhà cửa. Mảng áp dụng này dành cho các đối tượng thực thi các bước áp dụng đầu tư, triển khai đầu tư sau công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và giám sát quản lý quy hoạch tại các địa phương.

Như thế, việc ban hành Nghị định 16 của Chính phủ, thay thế các Nghị định 139 (2017), Nghị định 21 (2020) là một bước tiến quan trọng trong công tác tổ chức và quản lý nhà nước ở lĩnh vực xây dựng và đầu tư xây dựng, nhất là với các đô thị và vùng dân cư đang phát triển. Nghị định nhấn mạnh và cho thấy tầm quan trọng trong công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, giám sát quy hoạch của các địa phương là rất cấp thiết và đang cần chấn chỉnh. Một khi khâu quy hoạch, giám sát quy hoạch này được siết chặt, những hoạt động đầu tư, phát triển dự án trong quy hoạch đi theo cũng sẽ được nắn giữ hiệu quả. Cuối cùng, các hoạt động thị trường và dân sinh đi theo, gồm các hoạt động thị trường kinh doanh, môi giới bất động sản, phát triển nhà ở cũng sẽ được điều chỉnh lại chuẩn chỉnh hơn. Nếu khâu quản lý quy hoạch, giám sát quy hoạch không được ấn định minh bạch, chặt chẽ, các hoạt động thị trường đi theo sẽ có sự biến cải, thay đổi tiêu cực là khó tránh khỏi.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.