Multimedia Đọc Báo in

Những điểm sáng tạo động lực

19:02, 06/02/2022

Với quyết tâm chính trị cao nhất, Đắk Lắk đã đi qua năm 2021 với nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vững vàng bước vào năm 2022.

Giao thông đi trước mở đường

Tập trung các nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đây là một trong những giải pháp đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhằm thúc đẩy mở rộng, kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa Tây Nguyên với các tỉnh thành và quốc tế trong những năm tới.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 1 dự án giao thông trọng điểm đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, công trình có tổng chiều dài hơn 39 km, đi qua địa bàn các huyện: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột. Đây là dự án góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng bộ đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, ngày 19/11/2013 của Quốc hội và Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên…

Thi công công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc).

Cũng trong năm 2021, dự án Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đây chính là dự án động lực nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, an toàn, hiệu quả là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Theo Sở Giao thông vận tải, chủ trương chung của tỉnh là ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho các hạ tầng kỹ thuật khác phát triển đồng bộ. Theo đó, nhiều giải pháp trọng tâm được tỉnh chú trọng trong thời gian tới để kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại, mang tầm chiến lược, tạo đột phá cho tỉnh như kêu gọi đầu tư đối với Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Quốc lộ 29. Ngoài ra, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư đối với một số dự án giao thông liên kết vùng nối Đắk Lắk với Gia Lai, Lâm Đồng và Phú Yên như Dự án Cảng cạn Đắk Lắk…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh xác định kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điều kiện tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai thực hiện những tuyến giao thông liên kết vùng; tính toán khả năng, nguồn lực, ưu tiên các tuyến trọng điểm, cấp bách.

Nỗ lực cải thiện PAPI vì nhân dân phục vụ

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Tháng 4/2021, Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố chỉ số PAPI năm 2020 của tỉnh đạt 41,53 điểm, xếp hạng 50/63 (tăng 12 bậc so với năm 2019) cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công tiếp tục được cải thiện.

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại huyện Krông Năng.

Trong 8 nội dung PAPI năm 2020, Đắk Lắk có 5/8 nội dung tăng điểm so với năm 2019. Trong đó nổi bật là: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở: đạt 4,96 điểm (tăng 0,03 điểm) xếp hạng 25/63 thuộc nhóm trung bình cao; Trách nhiệm giải trình với người dân: đạt 5,03 điểm (tăng 0,12 điểm) xếp hạng 18/63 thuộc nhóm trung bình cao.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những nội dung còn hạn chế trong chỉ số PAPI, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6990/KH-UBND về nâng cao Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021.

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, ngay từ đầu năm 2021, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cải cách hành chính (CCHC); tiến hành chấm điểm chỉ số CCHC để tìm ra tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục. Sở đã phối hợp với Viện Lãnh đạo học và chính sách công - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án “Cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”. Đề án nhằm đánh giá thực trạng, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả CCHC và hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, xây dựng, đề xuất một số giải pháp như: xây dựng Báo cáo nghiên cứu, phân tích đánh giá kết quả chỉ số PAR Index tỉnh và chỉ số PAPI giai đoạn 2016 - 2020 đề ra những điểm cần cải thiện trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PAR Index và chỉ số PAPI của tỉnh vào nhóm trung bình cao của cả nước...

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

Trường THCS Hòa Sơn là một trong 3 trường của huyện Krông Bông được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2021 (đạt 150% kế hoạch), nâng tổng số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện lên 21 trường. Thành tích này đưa Krông Bông vào top những địa phương đạt kết quả nổi bật trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia những năm gần đây.

Một giờ học trong điều kiện bình thường mới của Trường THCS Hòa Sơn (huyện Krông Bông).

Chia sẻ về những nỗ lực vượt qua khó khăn trong một năm “đặc biệt” của ngành giáo dục, thầy Trần Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Sơn cho biết, trên cơ sở phân tích rõ những tiêu chí còn “hổng”, Ban Giám hiệu nhà trường họp bàn, đưa ra kế hoạch cụ thể và những giải pháp sát sườn cho từng tiêu chí. Trong đó xác định nâng cao chất lượng dạy và học đóng vai trò cốt lõi, nhà trường đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên bồi dưỡng nâng cao trình độ, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn; chú trọng phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

Với xuất phát điểm thấp nhất tỉnh, chỉ có 5/55 trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2015, những năm qua, huyện Krông Bông đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng cơ sở vật chất trường học và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Huyện đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hợp lý. Các trường tích cực tham mưu cho cấp trên bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ; nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc đổi mới phương pháp dạy học; huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Ông Huỳnh Viết Trung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Krông Bông cho biết: Trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có nhiều thời điểm các trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến, giao bài, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng, tạm thời gián đoạn, nhưng Ban chỉ đạo huyện và các trường đều quyết tâm vượt khó, tìm mọi cách khắc phục, nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa gia đình - nhà trường và xã hội... Nhờ vậy, huyện đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. 

Lê Hương - Hồng Chuyên - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.