Cải thiện sinh kế nhờ nhận khoán đất lâm nghiệp
Những năm qua, nhờ được nhận giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng mà đời sống của người dân vùng sâu xã Cư Klông (huyện Krông Năng) đang dần thay đổi, từng bước được cải thiện, nâng cao.
Theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ về quy định khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp nhà nước, những hộ dân, cá nhân cư trú tại địa phương mới được nhận giao khoán đất lâm nghiệp, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cá nhân, gia đình người Kinh nghèo. Nắm rõ những lợi ích này, những năm qua, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã triển khai có hiệu quả việc giao khoán rừng trồng đối với các hộ dân trên địa bàn, đặc biệt là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, đơn vị đang quản lý 7.800 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng tự nhiên 4.819 ha, rừng trồng 874 ha. Thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp, Ban quản lý đang giao khoán gần 1.240 ha cho 80 hộ, chủ yếu là bà con người Tày, Nùng... ở hai xã Ea Tam và Cư Klông (huyện Krông Năng). Việc giao khoán đất trồng rừng không chỉ giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà còn giúp bà con ổn định sinh kế, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Anh Nông Văn Nguyên (xóm 3 Tam Hợp, xã Cư Klông, huyện Krông Năng) chăm sóc rừng keo của gia đình. |
Điển hình như gia đình anh Nông Văn Nguyên (xóm 3 Tam Hợp, xã Cư Klông), năm 2009 được nhận khoán 1,5 ha đất trồng rừng. Anh Nguyên cho hay, trước khi chưa được nhận đất giao khoán, vợ chồng anh chỉ dựa vào 1 ha cà phê và 2 sào lúa để nuôi ba đứa con ăn học. Cuộc sống khó khăn, nguồn thu từ diện tích cà phê trồng không đủ tiền để đầu tư phân bón, chăm sóc nên năng suất thấp. Còn 2 sào lúa mùa được mùa mất, vợ chồng anh cố gắng cũng chỉ đủ ăn. Thời điểm được nhận đất giao khoán, không có tiền thuê nhân công, gia đình anh khai phá đến đâu trồng đến đó nên cây sinh trưởng và phát triển không đồng đều. Do đó, ở chu kỳ đầu, gia đình anh chỉ bán được hơn 20 triệu đồng. Tuy sản lượng chưa cao nhưng với khoản thu nhập này, gia đình anh cũng có thêm tiền lo học phí cho con và những chi phí sinh hoạt khác.
“Việc trồng keo đơn giản, tốn ít chi phí chăm sóc hơn các loại cây nông nghiệp khác, lại phù hợp với khí hậu, đất đai ở địa phương. Năm 2021, gia đình tôi may mắn được nhận khoán thêm hơn 3 ha đất lâm nghiệp theo hình thức cộng đồng nên có thêm hy vọng chăm sóc rừng trồng để cây sinh trưởng, phát triển tốt, có thêm thu nhập thoát khỏi cái nghèo đeo đuổi”, anh Nguyên chia sẻ thêm.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây keo cho người dân. |
Tương tự, năm 2009, được Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng giao khoán cho 4 ha đất lâm nghiệp, gia đình ông Lương Văn Khót (xóm 3 Tam Hợp, xã Cư Klông) rất mừng vui. Ông cho hay, nơi đây đất đai khô cằn, mặc dù đã sở hữu diện tích đất canh tác tương đối nhiều với 2 ha cà phê, 4 sào lúa và hơn 200 gốc tiêu nhưng cuộc sống của gia đình ông cũng chẳng khấm khá lên nổi. Bởi mùa nắng khô hạn, mùa mưa bị xói mòn không giữ được nước nên việc trồng và chăm sóc các loại cây nông nghiệp rất khó khăn, cây phát triển kém. Sau khi được nhận đất giao khoán và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc của đơn vị, cây keo của gia đình ông sinh trưởng tốt ở chu kỳ đầu, ông đã thu được hơn 80 triệu đồng. Nhờ đó gia đình ông có cuộc sống ổn định, thậm chí là khấm khá hơn trước kia.
Ông Mai Đức Vĩnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cho biết, việc giao khoán đất lâm nghiệp đã góp phần lớn vào việc phát triển rừng sản xuất gỗ nguyên liệu (keo) cải thiện sinh kế, tăng thêm thu nhập cho bà con sinh sống ở bìa rừng. Ngoài ra, thông qua chính sách giao khoán còn giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng, cải thiện nguồn nước, chống xói mòn... Đồng thời, còn làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng. Nhằm phát huy những hiệu quả đạt được, trong thời gian tới đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện trồng rừng của người dân nhận khoán đất; hướng dẫn kỹ thuật thêm như làm đất, xử lý thực bì, chọn giống, mật độ trồng… để nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc