Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng mùa khô

06:24, 11/03/2022

Đắk Lắk đang bước vào mùa khô với hàng trăm nghìn héc ta cây trồng các loại đang có nhu cầu nước tưới. Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã xây dựng phương án bảo đảm cho các loại cây trồng đủ nước tưới trong mùa khô.

Xây dựng phương án chống hạn từ đầu vụ

Thời điểm này như mọi năm, cà phê và nhiều loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái đang bắt đầu một chu kỳ mới; ở hầu hết các địa phương đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa đông xuân 2021 - 2022 với trên 41.000 ha.

Cánh đồng lúa vụ đông xuân xanh mướt ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) nhờ được cung cấp đủ nước tưới.

Hiện tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất ở các địa phương cơ bản dồi dào, phần lớn diện tích cây trồng cũng đã đi qua mùa khô năm 2021 tương đối ổn định, thiệt hại do hạn hán có xảy ra nhưng không lớn. Trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét hơn những năm gần đây, diễn biến thời tiết có nhiều bất thường, khác biệt hơn nhiều so với quy luật nên hầu hết bà con nông dân đã chủ động hơn trong sản xuất như: bám sát hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và điều tiết sản xuất của các đơn vị, hợp tác xã; tổ chức gieo sạ lúa sớm, đồng loạt và lựa chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với điều kiện sản xuất của địa phương nhằm tránh khô hạn cuối vụ.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, năm 2021, lượng mưa bình quân trên toàn tỉnh đạt cao, với trên 1.967 mm, bằng 112,4% so với trung bình nhiều năm. Do đó, bước vào vụ đông xuân 2021 - 2022, trong 247 hồ chứa do công ty đang quản lý đã có 200 hồ đạt dung tích thiết kế; 40 hồ dung tích đạt từ 70 – 90%; 5 hồ dung tích đạt từ 50 – 70% và 2 hồ ở mức dưới 50% (hồ nhỏ, không có nguồn về). Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, công ty có nhiệm vụ cung cấp nước cho trên 51.645 ha cây trồng (trong đó khoảng 24.302 ha lúa; 25.113 ha cây công nghiệp; 1.930 ha hoa màu và trên 299 ha nuôi trồng thủy sản).

Hộ ông Nguyễn Ngọc Triều (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cây cà phê.

Với nguồn nước hiện tại, các công trình cơ bản cung cấp đủ nước tưới cho diện tích mà công ty đang phục vụ. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống hạn vụ đông xuân thì ngay từ đầu vụ, công ty đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước, lập phương án phòng, chống hạn cho các công trình có nguy cơ hạn về cuối vụ và trình công ty phê duyệt.

Ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, trong số công trình đang quản lý, đơn vị nhận định có khoảng 36 công trình có nguy cơ hạn về cuối vụ, với tổng diện tích có khả năng phải chống hạn vào khoảng 1.887 ha (thuộc 5 địa phương, gồm các huyện: Buôn Đôn, Krông Năng, Cư M’gar và TX. Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột). Hiện công ty cũng đã chỉ đạo các chi nhánh xây dựng phương án phòng, chống hạn nếu có xảy ra; chuẩn bị vật tư, vật liệu cần thiết để khi có tình huống hạn thì sẽ đáp ứng kịp thời; tích trữ nước bằng hình thức nâng cao tràn tại những công trình phù hợp cho phép, không ảnh hưởng đến an toàn của công trình…

Tăng cường các biện pháp tưới tiết kiệm

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 785 công trình thủy lợi, gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 610 hồ chứa, với tổng dung tích hồ chứa khoảng trên 650 triệu m3 nước. Đầu năm 2022, nguồn nước ổn định hơn so với cùng kỳ nhiều năm; các công trình thủy lợi được đầu tư ngày một bài bản, cùng với việc áp dụng các biện pháp phi công trình như chuyển đổi cây trồng, sử dụng giống mới, có kế hoạch gieo trồng phù hợp, tưới tiết kiệm… sẽ bảo đảm chủ động nước cho trên 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới.

Để sử dụng nguồn nước hiệu quả, nhiều hộ dân cũng đã chủ động đầu tư công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, góp phần giảm thiểu các tác động do hạn hán. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Ngọc Triều (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) đã ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cà phê (2 ha) từ nhiều năm nay nên hiệu quả mang lại rất rõ rệt trong việc tiết kiệm nước tưới, giúp chủ động ứng phó với khô hạn. Ông Triều cho hay, tưới tiết kiệm giúp giảm khoảng 20 - 30% lượng nước tưới, ngoài ra còn giảm công lao động và thất thoát phân bón…, giúp cây cà phê hấp thụ được cao hơn so với cách tưới truyền thống.

Đóng van nước tại những cánh đồng đã lấy đủ nước ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (huyện Krông Ana).

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng các phương pháp tưới tiết kiệm đã nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước và giúp các hộ dân chủ động tưới nước cho cà phê đúng thời điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ tính riêng tại các huyện vùng Dự án VnSAT, đến nay đã có khoảng hơn 7.000 ha cà phê đã được nông dân áp dụng các biện pháp như phun mưa tại gốc, nhỏ giọt, canh đồng hồ nước, căn thời gian tưới…

Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (huyện Krông Ana), các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm cũng được triển khai từ đầu vụ thông qua việc điều tiết nước hợp lý ở từng cánh đồng, đồng thời hướng dẫn người dân lấy nước vừa đủ cho từng thửa ruộng trong từng giai đoạn lúa phát triển... Chính vì vậy, đến thời điểm này, gần 850 ha lúa phát triển xanh tốt, người dân phấn khởi vì không phải lo lắng nguồn nước cho lúa khi vào mùa khô.

Theo dự báo, thời kỳ khô và nắng nóng nhất trong năm 2022 sẽ diễn ra vào khoảng từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Việc chủ động gieo trồng sớm, áp dụng các giống mới và sử dụng nước tiết kiệm sẽ giúp cây lúa đông xuân tránh được thời kỳ khô hạn. Đồng thời, việc áp dụng các kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước cũng là giải pháp hữu hiệu cho các loại cây trồng cạn, cây công nghiệp dài ngày trong mùa khô. Các dự báo phân tích từ đầu mùa khô cũng cho thấy, năm nay tuy vẫn chịu tác động của hiện tượng El Nino, song với mực nước hiện có tại các hồ chứa cùng với việc chủ động áp dụng đồng bộ các giải pháp chống hạn sẽ giúp vụ đông xuân vượt qua mùa khô một cách an toàn.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, nhiệt độ trung bình trong mùa khô 2021 - 2022 ở khu vực Tây Nguyên phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trong mùa khô phổ biến từ 100 - 200 mm, một số nơi lớn hơn 250 mm, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Như vậy, khả năng thiếu nước trong sản xuất ở mùa khô 2021 - 2022 tương đương với năm trước, cạn kiệt ở mức không nghiêm trọng và xảy ra ở diện hẹp.

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.