Multimedia Đọc Báo in

"Khơi dòng” cho nông dân làm giàu

06:12, 10/03/2022

Để phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Ea Kar đã chú trọng tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tư liệu sản xuất nhằm khơi thông, hỗ trợ nông dân vươn lên làm giàu trên chính đồng ruộng của mình.

Trợ lực "từ A đến Z"

Qua khảo sát, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Ea Kar nhận thấy, thế mạnh của nông dân là có đất sản xuất, sức lao động, sự chăm chỉ, ý thức vươn lên, nhưng hạn chế là đa số đều thiếu vốn, kỹ thuật, khả năng nắm bắt, phân tích thị trường. Vì vậy, bên cạnh ký kết ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi, Hội Nông dân huyện còn liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện cho nông dân vay vốn. Tính đến cuối năm 2021, toàn huyện đã có 11.379 lượt hộ được vay trên 1.216 tỷ đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân được trên 3,86 tỷ đồng cho 72 lượt hộ vay.

Gia đình bà Vũ Thị Tập ở thôn 9 (xã Ea Sar) đã thành công khi chuyển đổi phát triển kinh tế sang trồng cây ăn quả. 

Để giúp nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học – kỹ thuật, xây dựng 162 mô hình về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới cho hội viên học tập, nhân rộng.

Xác định lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh của nông dân phụ thuộc rất lớn vào việc tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân các cấp của huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thay đổi tư duy trong sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún thông qua các hình thức liên kết, hợp tác để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất hàng hóa. Qua đó, ngày càng có nhiều vùng sản xuất chuyên canh như: mít, cam, quýt (xã Cư Elang), gấc (xã Ea Ô), vải, nhãn, heo rừng (xã Ea Sar), chuối (xã Xuân Phú), bò (xã Ea Kmút)...

Hướng đến sản xuất bền vững với những sản phẩm có chất lượng, thương hiệu đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu, mẫu mã bao bì, sản phẩm OCOP; đưa một số sản phẩm của nông dân như: điều rang muối, ca cao, gạo, các loại trái cây, trà thảo mộc... tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá và tìm kiếm cơ hội “đầu ra”.

Tự quyết hướng làm giàu

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Văn Thừa, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội chỉ góp phần tạo đà và “khơi dòng” cho nông dân. Việc trồng cây gì, nuôi con gì, quy hoạch trang trại như thế nào, phát triển sản phẩm ra sao phải do chính người nông dân tự quyết định, có như vậy mới bền vững và hiệu quả. Và thực tế sản xuất trên địa bàn huyện cho thấy, rất nhiều nông dân của huyện đã tìm được hướng đi phù hợp, ngày càng khẳng định được vị thế trong nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân huyện Ea Kar ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Sở hữu 15 ha đất sau thời gian dài khai hoang, phục hóa, ông Nguyễn Văn Đạo, hội viên nông dân Chi hội buôn Xê Đăng (xã Ea Sar) từng loay hoay mãi vì thiếu vốn, kỹ thuật, phương tiện sản xuất. Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, ông đã tiếp cận được nguồn vốn 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Để có nguồn nước phục vụ trang trại, ông đào 2,5 ha ao, hồ, tận dụng mặt nước nuôi cá, xây dựng chuồng trại nuôi heo, bò. Số diện tích còn lại, ông vừa trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả, hồ tiêu, cao su và trồng rừng. Trang trại được quy hoạch hợp lý với quy trình khép kín, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong điều tiết ra hoa, tưới nước tiết kiệm, phòng trừ dịch bệnh nên phát triển ổn định và kết nối được với các doanh nghiệp trong khâu đầu ra. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, trang trại của gia đình ông cho thu nhập từ 4,5 – 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ.

Sự trợ lực của Hội và nhạy bén trong làm ăn đã giúp nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Có thể kể đến trường hợp của gia đình bà Vũ Thị Tập ở thôn 9 (xã Ea Sar) đã chuyển đổi sang trồng 10 ha vải, 2 ha bơ, 2 ha ao và đứng ra bao tiêu quả vải cho hội viên, mỗi năm trừ chi phí thu lãi 2,5 tỷ đồng. Hay như hộ ông Đỗ Thanh Hà ở thôn Trung Hòa (xã Ea Tih) đã trồng 20 ha nhãn, 7 ha sầu riêng, 3 ha mắc ca, 1 ha vải và làm nhà nuôi chim yến, trừ chi phí thu lãi trên 1,6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động...

Không chỉ sản xuất đơn lẻ, các hộ nông dân trên địa bàn huyện đã chú trọng liên kết nhằm tương trợ nhau phát triển bền vững. Từ đó, toàn huyện đã thành lập được 37 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác, 172 trang trại kết nối với các doanh nghiệp khai thác tối đa lợi thế về các tư liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong 5 năm (2017 - 2021), bình quân mỗi năm toàn huyện có trên 14.500 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi và có trên 8.300 hộ được công nhận, trong đó, đạt danh hiệu cấp Trung ương và tỉnh chiếm 7%, cấp huyện 24%, còn lại là cấp xã. So với giai đoạn 2011 - 2016, số hộ có mức lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần và trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 3 lần.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.