Đoạn trường… cao tốc
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự để điều tra các sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan (vụ án giai đoạn 2). 7 nhân vật cộm cán đã bị bắt tạm giam, trong đó có cả những người đứng đầu VEC.
Sự việc này cho thấy việc thực thi các tuyến đường cao tốc Việt Nam phức tạp và khó khăn đến mức nào. Nó đặt ra vấn đề làm sao để nội bộ cơ quan quản lý nhà nước, đứng đầu là VEC, phải là môi trường trong sạch nhất có thể. Làm sao tìm ra được những "tổng tư lệnh" thực sự có tâm, có tầm, có trách nhiệm với đất nước. Bởi, nguyện vọng Bắc - Nam được nối mạch cao tốc là khao khát của cả dân tộc trong nhiều năm. Ai đi nước ngoài nhiều đều không khỏi chạnh lòng khi thấy cao tốc của bạn mấy chục làn xe, trong khi chúng ta: chỉ mấy làn, tốc độ vẫn ì ạch, phải làm từng tuyến với lý do còn… nghèo! Thực tế, chưa chắc chúng ta đã nghèo như vậy khi thực hành tiết kiệm, giảm thiểu tiêu cực - vốn là vấn đề “nhức nhối” trong ngành giao thông.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN |
Một khi hệ thống đường cao tốc Việt Nam được kết nối, đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa phương. Sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư các kết cấu hạ tầng khác; giúp giảm thiểu 85 – 95% số sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc…
Chúng ta đều biết, ngân sách đầu tư cho đường cao tốc là cực lớn nên cán bộ thực thi và các bên liên quan rất dễ bị những “viên đạn bọc tiền” bắn thủng. Vậy nên mới cần phải lựa chọn ra những cán bộ quản lý tốt. Con người tốt vẫn chưa đủ. Cần phải có hành lang pháp lý, chế tài, giám sát chặt chẽ để tiêu cực khó có đất sống, trong môi trường VEC nói riêng, hệ thống triển khai các cung đường cao tốc nói chung. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo rõ về vấn đề cao tốc: “Tinh thần của Chính phủ là "phân cấp, phân cấp và phân cấp", nhưng phân cấp, phân quyền phải đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi".
Tất nhiên bên cạnh đó, vai trò, ý thức của người dân cũng hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình đường cao tốc kịp tiến độ. Công tác giải tỏa, đền bù thực sự là “nỗi ám ảnh” của các đơn vị thi công bởi muôn cảnh huống trớ trêu. Đơn cử mấy ngày qua dư luận xôn xao khi tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua, rất nhiều ngôi nhà, công trình tạm đã được xây dựng “thần tốc” để đón đầu giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) ngao ngán: “Nhà xây trên đất nông nghiệp hoặc vi phạm hành lang đường bộ đã sai chỉ có thể đập bỏ, cưỡng chế xử lý, lấy đâu ra cơ sở để được đền bù. Người dân mất tiền là hiển nhiên. Vậy mà vẫn cố tình vi phạm”. Còn nhớ năm 2017, khi dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan triển khai nút giao Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) bất ngờ gặp trở ngại khi người dân vùng dự án liên tục kê khai mộ phần. Họ còn tạo rêu giả để khẳng định mộ cổ. Nhiều người lấy lý do gia tộc, mộ cổ…, nhưng điều lạ là số mộ này còn nhiều hơn số thành viên trong… gia phả!
Chắc chắn những tình trạng trên không chỉ xảy ra ở riêng Quảng Trị và Đà Nẵng.
Những giá trị mang tên cao tốc đã và sẽ chắp cánh cho ước vọng kết nối, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông hiện đại của đất nước. Tuy nhiên, khát vọng đó đã và luôn gặp phải những rào cản từ chính tư duy “đường cái quan” của người dân, đáng buồn hơn là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan thực thi. Vậy nên, chúng ta luôn chậm với thế giới, khiến hạ tầng giao thông lạc hậu không bắt kịp với đà phát triển chung của đất nước.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc