Multimedia Đọc Báo in

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư

06:34, 23/03/2022

Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội khóa XV phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án).

Xây dựng cao tốc theo hướng tuyến thẳng và ngắn nhất

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được hoạch định là đường cao tốc, quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, với tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua địa phận tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km.

Điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk).

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và hai địa phương (Khánh Hòa và Đắk Lắk) đây là phương án tuyến phù hợp, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB), các khu tập trung đông dân cư, các khu di tích, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...; kết nối thuận lợi với các khu công nghiệp, các vùng trọng điểm về du lịch, cảng biển, nhà ga đường sắt, cảng hàng không, các trung tâm logistics...

Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển không gian đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Đồng thời, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và các địa phương liên quan và đã được UBND tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và Quân khu 5 thống nhất.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 321 do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung làm Trưởng đoàn xem bản đồ hướng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Cư Elang (huyện Ea Kar).

Liên quan đến dự án này, trong khuôn khổ chuyến làm việc vào trung tuần tháng ba vừa qua với UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, việc triển khai các dự án cao tốc nói chung, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột nói riêng cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, giảm được khâu GPMB, giảm chi phí, thời gian.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, mới đây Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 (Ban Chỉ đạo 321) do đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tại các nút giao tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh để chuẩn bị tốt nhất phương án GPMB bảo đảm các quy định pháp luật; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng kịp thời, phù hợp. Đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng về các mỏ vật liệu, đất nền phục vụ công trình để kịp thời triển khai thi công khi Dự án được Quốc hội thông qua…

Trước đó, tỉnh cũng kiến nghị được làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 3 thuộc Dự án (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án từ nguồn đầu tư công 100% ngân sách Trung ương, khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi được phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Quản lý dự án, nguồn nhân lực sẽ được tuyển chọn từ các ban quản lý dự án hiện có, các cơ quan của tỉnh và từ bên ngoài nhằm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật nhằm thực hiện quản lý dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Để thực hiện Dự án, tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 938 ha, trong đó đất rừng sản xuất gần 332 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 21,3 ha. Như vậy, khi triển khai dự án này, diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 353 ha, trong đó tỉnh Đắk Lắk khoảng 282 ha, tỉnh Khánh Hòa khoảng 70,8 ha. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp, với diện tích đất rừng này thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đây là dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (có sử dụng vốn đầu tư công trên 10.000 tỷ đồng) thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, ngày 15/7/2020 hiện chưa rõ về trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án trước hay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa kiến nghị: “Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án và phê duyệt theo thẩm quyền trước khi quyết định đầu tư”.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia được Chính phủ đưa vào Danh mục dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án này là hết sức cần thiết.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột gần 22 nghìn tỷ đồng. Dự án qua các địa phương thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk gồm các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.