Du lịch Trải nghiệm với cà phê
Từ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đến nay, tour du lịch Trải nghiệm với cà phê trên địa bàn Đắk Lắk có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế hơn cả, bởi nó mang lại cảm giác an toàn, thân thiện.
Nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở đây (từ lữ hành cũng như các điểm đến) đã liên kết chặt chẽ với nhau đưa du khách đến những vùng trồng cà phê trọng điểm ven đô thị Buôn Ma Thuột nhằm thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm và khám phá của “thượng đế”.
Sản phẩm “xanh - sạch - an toàn - thân thiện”
Công ty Du lịch - Thương mại Đam San, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty Cổ phần Du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, Công ty Lữ hành Khám phá Tây Nguyên và Vietravel - Chi nhánh Buôn Ma Thuột… là những đơn vị tiên phong trong việc triển khai, thực hiện có hiệu quả sản phẩm du lịch trên. Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San chia sẻ: Qua hơn hai tháng đầu năm nay đã có gần 20 đoàn khách quốc tế (Pháp, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tỉnh thành ở Nam - Trung Bộ đến đây đặt tour du lịch “đặc sản” này. Tại vườn trải nghiệm, dịch vụ du lịch Đặng Farm (xã Cư Suê - huyện Cư M’gar), du khách tỏ ra hài lòng với các cung đoạn trải nghiệm cùng cà phê - từ tưới nước, bón phân, tỉa cành, pha chế và thưởng thức hương vị tại chỗ cho đến tham quan, chụp hình, quay phim làm kỷ niệm.
Du khách trải nghiệm vườn cà phê Đặng Farm (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar). |
“Thực tế cho thấy, trong hơn 10 năm xúc tiến, triển khai sản phẩm du lịch trải nghiệm với cà phê trên địa bàn Đắk Lắk thì mối hợp tác, liên kết giữa các bên (Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân) chưa đi vào thực chất và chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, ngành kinh tế này đóng góp từ 20 - 22 % vào ngân sách địa phương" . Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn du lịch tỉnh
|
Anh Đặng Văn Huy, phụ trách vườn trải nghiệm trên cho hay: Du khách hài lòng, thích thú không chỉ bởi những dịch vụ đính kèm như đã nêu, mà hơn thế là được hòa mình vào thiên nhiên tươi mát, trong lành trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành và đè nặng tâm lý họ bấy lâu nay. Vì thế tour du lịch trải nghiệm với cà phê được xem là sản phẩm “xanh - sạch - an toàn - thân thiện”, đáp ứng được yêu cầu có tính chất khuyến khích, thậm chí bắt buộc của ngành du lịch đưa ra hiện nay. Có thể nói sản phẩm du lịch này đang là chọn lựa hàng đầu đối với bất kỳ du khách nào khi đến Đắk Lắk thời “hậu COVID-19” nhờ lợi thế cạnh tranh và đặc thù của nó. Theo anh Huy, với giá cả hợp lý để được thỏa thích trải nghiệm và khám phá “hệ sinh thái cà phê” ở đây là cơ hội không thể bỏ qua. Từ sản phẩm du lịch được xem như “mắt xích” đầu tiên ấy sẽ tạo nên sợi dây kết nối với nhiều dịch vụ khác như lưu trú, mua sắm, ẩm thực… nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng kinh tế cho toàn ngành du lịch Đắk Lắk trong thời gian tới.
Góp phần gia tăng giá trị cho toàn ngành
Cũng từ góc nhìn đó, ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn du lịch tỉnh cho rằng: Tour du lịch trải nghiệm với cà phê hiện nay đang đóng vai trò kích hoạt đáng kể giúp ngành kinh tế quan trọng này phục hồi và phát triển trên các mặt đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng và phân khúc thị trường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại 22 khu/điểm du lịch và 25 hãng lữ hành nội địa lẫn quốc tế. Tất nhiên lợi thế cạnh tranh, tính chất đặc thù của sản phẩm du lịch này không chỉ bó hẹp ở một số đơn vị làm du lịch sinh thái - nông nghiệp có điều kiện, cở sở hạ tầng (vườn cây, mô hình, dịch vụ đính kèm) như nêu trên mà cần mở rộng đến những khu/điểm du lịch khác, nhất là các vùng trồng cà phê nổi tiếng như Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Ea H’leo và Krông Ana… nhằm gia tăng giá trị cho cây cà phê, trong đó có yếu tố không thể bỏ qua là kết nối làm du lịch.
Công ty Du lịch - Thương mại Đam San tặng hoa chúc mừng những đoàn khách đến Buôn Ma Thuột tham gia tour Trải nghiệm với cà phê. Ảnh: Công ty Đam San cung cấp |
Có thể nói đây là mô hình du lịch cộng đồng - sinh thái nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk. Nếu biết tổ chức, khai thác bài bản chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững. Để hiện thực hóa điều đó, nhiều người cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được mối hợp tác, liên kết bền chặt và có trách nhiệm giữa các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân. Mối liên kết này phải được vận hành xuyên suốt với hành lang pháp lý thống nhất, thông thoáng về hợp tác đầu tư, kích cầu và tìm kiếm, phát triển thị trường cũng như phân bổ lợi nhuận từ ngành “công nghiệp không khói” này. Hiện mối dây liên kết ấy còn lỏng lẻo nên loại hình du lịch trải nghiệm với cà phê vẫn chưa đi vào quỹ đạo trên, còn xảy ra tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm, khiến sản phẩm du lịch đặc thù này chưa thể trở thành đòn bẩy nâng tầm thương hiệu Đắk Lắk trên bản đồ du lịch cả nước.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc