Multimedia Đọc Báo in

Lợi kép từ ứng dụng tưới nước tiết kiệm

08:51, 20/03/2022

Để ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Đầu năm 2021, anh Hà Mộng Thường ở buôn Wik (xã Ea Hồ) đầu tư 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương. Nhờ vậy, vào thời điểm khô hạn vừa qua vẫn đủ nước tưới cho 500 cây sầu riêng và 100 trụ hồ tiêu của gia đình, giúp chúng phát triển tốt. Với mô hình này, hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cây từ 50 - 70 cm, mỗi gốc được gắn một béc phun nước. Vào mùa khô, anh Thường bật hệ thống tưới 2 lần/tuần, mỗi lần 2 giờ vào buổi sáng và chiều.

Anh Hà Mộng Thường (bìa phải) giới thiệu về hệ thống tưới nước tiết kiệm của gia đình.

Anh Thường chia sẻ: “Tưới nước tiết kiệm giúp giữ độ ẩm đất, không gây úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây phát triển khỏe. Thêm vào đó, phân bón được hòa với nước theo liều lượng định sẵn, đưa vào hệ thống đường ống tưới, phân phối đều tới các cây, hạn chế bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng. Nhờ đó, tiết kiệm 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Ngoài ra, có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây”. Nếu bảo quản tốt, hệ thống thiết bị có thể sử dụng từ 7 - 10 năm. Sau hơn 1 năm áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, hiện vườn cây của anh Thường phát triển xanh tốt, niên vụ vừa qua cho thu hơn 5 tấn sầu riêng và 7 tạ hồ tiêu.

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng là biện pháp hữu hiệu thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Còn anh Y Pôl Niê ở tổ dân phố 5 (thị trấn Krông Năng) đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1 ha cà phê và sầu riêng đã hai năm nay. Anh Y Pôl cho biết, trước đây để tưới 1 ha cà phê, gia đình phải mất 2 - 3 ngày với 3 nhân công lao động. Còn với hệ thống tưới nước tiết kiệm, anh chỉ cần bật công tắc điện, thực hiện thao tác chỉnh các van mở nước là tưới được cho cả vườn cây. Nước tưới được bơm đều đến từng gốc, trung bình từ 30 - 50 lít nước/giờ. Sau 1 giờ tưới thì độ ngấm nước toàn vườn đạt sâu trên 30 cm, giúp đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ cây. Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi, không những tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân bón triệt để, mà còn giảm chi phí bón phân, bảo vệ tốt môi trường và sức khỏe cộng đồng. Anh Y Pôl tính toán, chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt Israel mà anh đang sử dụng khá cao, song bù lại giúp tiết kiệm 90% công lao động, trên 70% chi phí điện, nước, 20% lượng phân bón và rất phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước trong mùa khô của Tây Nguyên.

Mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn sầu riêng của anh Hà Mộng Thường ở xã Ea Hồ.

Những năm trở lại đây, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Krông Năng đã áp dụng quy trình tưới tiết kiệm nước theo phương pháp nhỏ giọt, phun sương, phun cục bộ… cho diện tích vườn cây. Tuy nhiên, so với diện tích canh tác của huyện Krông Năng hơn 30.000 ha cây trồng lâu năm thì số hộ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm vẫn còn khiêm tốn, bởi chi phí đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh khá cao (khoảng 30 triệu đồng/ha) nên nhiều nông hộ chưa đủ điều kiện đưa công nghệ này vào sản xuất. Do đó, rất cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp để bà con có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng rộng rãi mô hình này.

Ông Y Sôl Mlô, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Năng đánh giá, thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống. Cụ thể, có thể giúp tiết kiệm 50% lượng nước; giảm nhân công lao động, chi phí đầu tư phân bón 30 - 50% và tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%. Đặc biệt tưới tiết kiệm nước là một trong những ứng dụng hiệu quả trong công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức độ thiệt hại sản xuất. Để nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt công nghệ tưới tiên tiến cho nông dân; đồng thời phối hợp với các ngân hàng giúp người dân vay vốn đầu tư đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.