Mưu sinh trên ngọn hồ tiêu
Nghề hái tiêu mang lại thu nhập khá cho nhiều lao động nhưng hiểm nguy cũng luôn rình rập, chỉ cần một chút sơ sảy thì rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sau Tết Nguyên đán, nông dân trong tỉnh vào mùa thu hoạch hồ tiêu. Đây cũng là thời điểm tất bật của nhiều lao động thời vụ được thuê thu hái. Dù là lao động thời vụ nhưng với không ít người, đây được coi là nghề mang lại nguồn thu nhập chính giúp họ trang trải cuộc sống. Mỗi ngày công, họ được trả từ 170.000 - 200.000 đồng. Một mùa thu hoạch hồ tiêu thường bắt đầu từ ngay sau Tết Nguyên đán cho đến khoảng hết tháng 3 âm lịch. Lao động trong nghề này cũng tranh thủ mưu sinh.
Những năm trước, phần lớn nhân công thu hái hồ tiêu là người ngoại tỉnh đến, ở lại và hái thuê cho các chủ vườn. Mấy vụ gần đây, lao động được thuê chủ yếu là người dân trong tỉnh. Hầu hết họ là người nghèo, không có hoặc có ít đất sản xuất, hoặc không có công ăn việc làm ổn định, tranh thủ bươn chải mưu sinh khi địa phương vào chính vụ thu hoạch nông sản.
Hái tiêu trên cao tiềm ẩn những hiểm nguy rình rập nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận để mưu sinh. |
Có theo chân những "phu hái tiêu" mới hiểu thêm nỗi cơ cực, hiểm nguy từ công việc của họ. Giơ đôi bàn tay nhám đen, ửng đỏ vì dính mủ tiêu, chị Trần Thị Nga (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cho hay, hái tiêu nhiều nên gặp tình trạng này là lẽ thường tình. Không chỉ ngả màu, cứ vài hôm, bàn tay chị lại đỏ tấy lên vì độ nặng những chiếc thang khi mang vác, chuyển từ trụ tiêu này sang trụ tiêu khác.
Ngày trước, nhiều diện tích hồ tiêu của nông dân trên địa bàn tỉnh được trồng bằng trụ chết, tức trụ gỗ hoặc trụ bê tông, cao tối đa tầm 2 m nên việc thu hái khá dễ dàng. Về sau, để phù hợp với sinh trưởng của cây tiêu và tiết kiệm chi phí đầu tư, nhiều nông hộ trồng tiêu bằng trụ sống (trồng cây còn sống cho dây tiêu leo). Nhược điểm của loại trụ này là ngọn tiêu leo bám khá cao, nhân công phải bắc thang cao có khi 8 - 10 m mới có thể thu hái. Vì thế, nghề hái tiêu không dành cho những người sợ độ cao. Cũng chính vì công việc đòi hỏi người thu hái thường xuyên phải "vắt vẻo" trên ngọn tiêu cao chót vót nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động.
Có những hôm, chị Trần Thị Nga (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phải trèo lên ngọn tiêu cao 8 mét. |
Chị Dương Thị Mẫn (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) có nhiều kinh nghiệm trong nghề hái tiêu nên được nhiều người tìm thuê. Qua nhiều năm, “tay nghề” hái tiêu của chị càng nâng lên, bảo đảm kỹ thuật nên nhiều chủ vườn rất hài lòng. Theo chị, công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng người lao động có thể gặp rủi ro tai nạn lao động bất cứ lúc nào. Nhiều nơi, hồ tiêu được trồng ở những địa hình dốc, xen trong vườn cà phê nên càng phải cẩn thận. Đó là chưa kể kiến, côn trùng thường làm tổ trên các ngọn cây cao, khiến việc thu hái càng khó khăn hơn. Trước khi leo lên trụ, chị luôn chú ý đặt chân thang sao cho vững và cảm nhận cho được độ nghiêng của thang mỗi khi có ngọn gió thổi qua trên ngọn cao để bám víu vào thân cây, bảo đảm an toàn cho bản thân mình. Chị tâm sự, nếu không thận trọng thì rất dễ dẫn đến rủi ro trong quá trình thu hái. Song, bù lại, mỗi vụ thu hoạch qua đi, chị cũng có được 15 - 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Theo nghề hái tiêu từ 6 năm nay, chị Hồ Thị Miên (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chia sẻ, để tránh “hái’ nhầm phải côn trùng trú ẩn trên ngọn cây tiêu, trước mỗi khi chạm tay vào khu vực nào cần hái, chị thường “đánh động” trước để rắn, rết, đàn ong, tổ kiến (nếu có) di chuyển đi chỗ khác.
Với nhiều nhân công thu hái hồ tiêu, họ đều hiểu được rằng việc lên cây cao mà không có bất cứ hình thức bảo hộ nào cũng rất nguy hiểm. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đều chấp nhận và luôn dặn mình phải hết sức cẩn thận.
Theo Công an huyện Cư M’gar, để phòng tránh nguy cơ mất an toàn trong quá trình thu hái cũng như tình hình tội phạm liên quan đến vụ thu hoạch hồ tiêu trên địa bàn, công an các xã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, giám sát, nhắc nhở các chủ rẫy lưu ý thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của thang, tốt nhất nên sử dụng thang 4 chân có dây cố định vào trụ khi hái tiêu, kiểm tra độ vững của trụ cây tiêu trước khi dựng thang... nhằm bảo đảm an toàn cho người thu hái, tránh những tai nạn thương tích không đáng có.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc