Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch

15:28, 05/03/2022

Số hóa được xem là giải pháp tối ưu đối với ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay bởi có thể giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và doanh nghiệp cũng dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn.

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã thí điểm lắp đặt bảng thông tin hỗ trợ phát triển du lịch tại 7 điểm di tích trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột; Di tích cấp tỉnh Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945… nhằm tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và thông tin hỗ trợ phát triển du lịch tại TP. Buôn Ma Thuột.

Mỗi bảng thông tin bao gồm: Biểu trưng tỉnh Đắk Lắk, Biểu trưng kết nối TP. Buôn Ma Thuột được sử dụng trong bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Đắk Lắk, mã QR do VNPT Đắk Lắk thiết kế. Du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR sẽ kết nối ngay với ứng dụng du lịch thông minh “My Đắk Lắk” hoặc website: mydaklak.vn và được thông tin về địa danh cần biết. Công trình này giúp du khách tiết kiệm thời gian, tiện lợi khi tìm hiểu thông tin du lịch, giảm chi phí so với những cách tuyên truyền, quảng bá du lịch truyền thống khác.

Đơn cử như tại Di tích quốc gia Đình Lạc Giao, biển thông tin hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu về di tích được đặt ngay cửa. Chỉ cần quét mã QR trên thiết bị di động; khi truy cập vào đây, du khách được xem các tài liệu giới thiệu về đình, lịch sử hình thành, phát triển mà không phải mất công tìm kiếm, tra cứu.

Tra cứu về Di tích quốc gia Đình Lạc Giao từ biển thông tin hướng dẫn bằng điện thoại thông minh.

Mã QR là công cụ sẽ được đưa vào sử dụng tại TP. Buôn Ma Thuột, đây cũng là một phần của du lịch thông minh và mang trải nghiệm mới cho du khách. Trước đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê cũng đã gắn các mã QR trên các hiện vật để du khách có thể xem thuyết minh chi tiết về hiện vật ngay trên điện thoại thông minh; Bảo tàng Đắk Lắk đã gắn bảng định danh có gắn mã QR trên các cây để du khách có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin chính xác, đầy đủ và hữu ích về các loại cây trong khuôn viên bảo tàng.

Hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được triển khai gồm hai hệ thống: Cổng thông tin du lịch Đắk Lắk và ứng dụng Mobile du lịch thông minh; hệ thống quản lý cơ sở lưu trú có tính năng quản lý khách lưu trú, đăng ký tạm trú và tạm vắng. Với hệ sinh thái trên đã tạo giải pháp cung cấp các tính năng tương hỗ đầy đủ cho cả chính quyền, doanh nghiệp và du khách.

Theo đó, phần mềm quản lý lưu trú sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thể thực hiện các nghiệp vụ quản lý, thống kê, tổng hợp, lập báo cáo về khách du lịch (lượt khách, loại khách, ngày lưu trú bình quân, công suất sử dụng phòng...) một cách thuận tiện, nhanh chóng, đồng thời tạo được cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất trong toàn tỉnh; hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức trong công tác khai báo khách lưu trú.

Đối với du khách, hệ thống du lịch thông minh sẽ cung cấp đầy đủ, toàn diện, chính thống các thông tin liên quan về du lịch Đắk Lắk, bao gồm các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, sự kiện, tin tức và các tiện ích khác như: y tế, cây xăng, bản đồ số, ATM... Đây cũng là kênh thông tin giúp du khách có thể liên lạc, phản hồi, phản ánh trực tuyến với cơ quan chính quyền. Với doanh nghiệp thì có thể liên kết với nhau tạo thành chuỗi doanh nghiệp, liên kết phát triển, trích xuất báo cáo, thực hiện việc thống kê và nộp báo cáo trực tuyến cho cơ quan chính quyền… cùng nhiều lợi ích khác.

Bảng định danh có gắn mã QR trên cây tại Bảo tàng Đắk Lắk giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin về loài cây.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngành du lịch đã bước đầu quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, phát triển thông qua việc tích cực số hóa các dữ liệu nhằm khai thác, phục vụ hoạt động du lịch, nhất là việc quảng bá. Nếu như trước kia, khi đến tham quan điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh nào đó, khách có rất ít thông tin về địa điểm, đặc sản, nét văn hóa ở nơi đó thì nay nhờ ứng dụng công nghệ số giúp khách tiếp cận dễ dàng hơn.

Ví như Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam (TP. Buôn Ma Thuột), Khu du lịch sinh thái Troh Bư (Buôn Đôn)… sở hữu trang Fanpage của mình với số lượng hàng nghìn người theo dõi; trang web cũng đăng tải hình ảnh về lễ hội, cảnh đẹp, ẩm thực, video clip văn nghệ… để giới thiệu cho du khách.

Chị Trương Cát Phương (TP. Hồ Chí Minh), một du khách trải nghiệm du lịch tại Đắk Lắk cho hay, trước khi đi, chị đã vào các trang web tìm kiếm các địa điểm du lịch nổi tiếng, giá cả, ẩm thực… của nơi đây, vì thế không bị động trong việc trải nghiệm. Thật vui vì các trải nghiệm thực tế không khác gì nhiều so với các hình ảnh được đăng tải.

Có thể thấy, số hóa du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá bằng công nghệ, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến. Trong thời gian tới, trang web và ứng dụng “My Đắk Lắk” sẽ được ngành du lịch tăng cường truyền thông, giới thiệu để tiếp cận được nhiều du khách hơn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.