Multimedia Đọc Báo in

Vụ thuốc lá bội thu ở huyện Krông Bông

06:19, 25/03/2022

Nhờ có đầu ra ổn định, người trồng thuốc lá trên địa bàn huyện Krông Bông đã yên tâm sản xuất loại cây này. Hiện nay, người dân đang bước vào vụ thu hoạch với tâm trạng phấn khởi, bởi thuốc lá năm nay vừa được mùa, vừa được giá.

Là xã có diện tích trồng thuốc lá nhiều nhất của huyện, vụ mùa năm nay, xã Hòa Tân đã gieo trồng 110 ha thuốc lá. Hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích. Gia đình anh Nguyễn Đức Lợi (thôn 5, xã Hòa Tân) đang tất bật thu hoạch 1,6 ha thuốc lá.

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cây thuốc lá phát triển tốt, năng suất tăng, gia đình anh ước tính sẽ thu được 3,7 tấn/ha. Lá thuốc sau khi sấy có màu vàng chanh nhạt, có độ xốp và kích thước tương đối đồng đều, đạt chất lượng và năng suất cao hơn so với vụ mùa năm trước. Gia đình anh đã liên kết với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh bao tiêu sản phẩm, được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón… trong 5 năm nay.

Tuy nhiên, vụ này có thể nói giá bán lá thuốc đạt mức cao nhất từ khi gia đình trồng loại cây này, đó cũng là niềm vui chung của người trồng thuốc lá ở địa phương. Hiện các loại giá thuốc lá đều tăng 2.500 đồng/kg (với 5 loại giá, thấp nhất là 51.500 đồng/kg và cao nhất 59.500 đồng/kg), riêng loại thuốc lá tận dụng đạt 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng) so với năm trước. Từ những thuận lợi đó, gia đình anh Lợi nắm chắc lợi nhuận khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Yang Reh thu hoạch thuốc lá.

Dù trồng năm đầu tiên, cây thuốc lá đã mang lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi cho người dân xã Yang Reh. Tận dụng diện tích đất sau vụ thu hoạch bắp, từ tháng 12/2021, có 7 hộ dân trong xã đã liên kết với nhau thuê 11 ha đất ở thôn 1 để trồng cây thuốc lá. Khu vực này có nguồn nước tự nhiên từ sông Krông Bông, đất đai màu mỡ đã giúp cây thuốc lá phát triển xanh tốt, thân cây cao, lá to, dày, ước tính năng suất đạt gần 4 tấn/ha.

Ngoài việc được Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, các hộ dân còn được công ty hỗ trợ xây dựng 3 lò sấy với diện tích khoảng 120 m2, ứng dụng công nghệ sấy mới mang lại nhiều tiện ích cho sản xuất so với lò sấy truyền thống. Sau khi thu hoạch xong và vận chuyển về lò, người dân chỉ cần xếp đứng từng bó thuốc lá lên các vỉ sắt và thực hiện công đoạn sấy (không cần phải xâu lá), nhờ đó đã giảm được công lao động, tiết kiệm được nhiên liệu, chất lượng của lá thuốc khô được đảm bảo.

Ông Lê Văn Tỵ, Trưởng thôn 1 (xã Yang Reh) cho biết, được sự vận động của địa phương, ông cùng một số hộ đã tận dụng hiệu quả diện tích đất nhàn rỗi, tiên phong đầu tư trồng thuốc lá. Hiện tại, cây thuốc lá đang cho thu hoạch, được đánh giá cao về năng suất và chất lượng, mở hướng giúp người dân chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, đã tạo được việc làm thời vụ cho nhiều người dân địa phương với thu nhập 190.000 - 200.000 đồng/ngày công. Với giá loại 1 gần 60.000 đồng/kg lá thuốc khô như hiện tại sẽ mang lại thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng/ha cho người trồng.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông kiểm tra lá thuốc thành phẩm tại lò sấy ở xã Yang Reh.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, cây thuốc lá phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, đã thay thế nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhiều năm nay. Trong vụ đông xuân 2021- 2022, toàn huyện gieo trồng 260 ha thuốc lá, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Tân, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ…

Tùy thuộc vào chỉ tiêu phát triển diện tích thuốc lá của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh, hằng năm Phòng NN-PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các xã có kế hoạch bố trí, hướng dẫn người dân tận dụng diện tích đất ven sông, suối để đầu tư sản xuất; tránh tình trạng phát triển ồ ạt, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT cũng vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình sản xuất của công ty nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thuốc lá của địa phương. Năm nay, cây thuốc lá được mùa, được giá, đã mang lại niềm vui trọn vẹn cho người dân trên địa bàn huyện.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.